Một góc đô thị Cần Thơ.
Đô thị hướng đến phát triển bền vững
Những năm gần đây, TP Cần Thơ luôn đối mặt với tình trạng ngập nghiêm trọng gây xáo trộn đời sống của người dân khi mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về và triều cường dâng cao. Ðể ứng phó với tình trạng này, TP Cần Thơ triển khai xây dựng hàng loạt các dự án, công trình, góp phần cải thiện và nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị. Một số dự án lớn có thể kể đến như: Dự án nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL; Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị... Các dự án đã xây mới, nâng cấp, mở rộng hàng trăm con hẻm, tuyến đường, cầu giao thông, xây dựng các trường học ở trung tâm thành phố, cải tạo các con rạch lớn như: Rạch Tham Tướng, Cái Khế, Rạch Chùa, hồ Bún Xáng, hồ Xáng Thổi; công viên Lưu Hữu Phước; chỉnh trang đô thị và cải thiện hệ thống thoát nước, đê bao bảo vệ vùng lõi của thành phố trước tác động của ngập lụt… Cùng với đó, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch thoát nước TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Tuy nhiên, dưới tác động của BÐKH, xuất hiện ngày càng nhiều các trận mưa cực đoan có cường độ lớn hơn và cả sự thay đổi về lượng. Cùng với đó, tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm gia tăng bề mặt bê tông, giảm không gian trữ và thấm nước góp phần tăng lưu lượng dòng chảy tràn, có thể gây tình trạng ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn, đặc biệt khi triều dâng diễn ra cùng thời điểm mưa. Ðể ứng phó với các tình huống cực đoan này, việc dựa vào các giải pháp công trình cứng tốn kém chi phí là chưa đủ, cần hướng đến phát triển HTX để phát triển môi trường đô thị mang tính bền vững. TP Cần Thơ xác định, cơ sở HTX là giải pháp trọng tâm của Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu tại TP Cần Thơ đến năm 2030.
Theo các chuyên gia, HTX là mạng lưới các không gian xanh, mặt nước và cơ sở hạ tầng được kết nối để thực hiện chức năng như một hệ sinh thái tự nhiên nhằm mang lại những lợi ích cho con người. Ðây cũng là giải pháp hiệu quả về chi phí, có tính phục hồi cao trước ảnh hưởng của thời tiết và mang lại lợi ích cho cộng đồng. "Các giải pháp HTX đã được đề xuất và triển khai thành công ở nhiều nơi trên thế giới nhằm bổ trợ cho các công trình hạ tầng cứng, góp phần tăng cường khả năng chống chịu với tình trạng ngập úng, đặc biệt do mưa. Lợi thế của các giải pháp HTX là tính linh hoạt, có thể dễ dàng điều chỉnh quy mô, thiết kế. Ðồng thời, có thể áp dụng ở nhiều cấp độ từ cộng đồng, hộ gia đình đến quy mô toàn thành phố. Cơ sở HTX có thể giúp cộng đồng chuẩn bị và quản lý các tác động của BÐKH như: quản lý thoát nước và giảm ngập nhờ vào hệ thống kết cấu nền có khả năng thấm nước và tạo không gian để áp dụng các giải pháp giảm rủi ro ngập. HTX còn tạo ra các giá trị cảnh quan, cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn, tạo đa dạng sinh học, phát triển kinh tế..." - PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BÐKH - Ðại học Cần Thơ, chia sẻ.
Tăng mảng thấm
Với những ưu điểm của HTX, TP Cần Thơ đã triển khai thí điểm một số dự án trên địa bàn. Cụ thể, năm 2019, Văn phòng Dự án "100 thành phố có khả năng chống chịu" TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu BÐKH - Trường Ðại học Cần Thơ đã phối hợp nghiên cứu, đưa ra ý tưởng thiết kế công viên ven Rạch Ngỗng, khu tái định cư Thới Nhựt 2 có chiều dài khoảng 610m, rộng từ 7,5-27m tùy theo đoạn. ThS. Ðinh Diệp Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu BÐKH - Trường Ðại học Cần Thơ, thành viên tham gia xây dựng dự án, cho biết: Công viên được thiết kế theo hướng không gian mở trên nền công trình HTX. Bờ sông Rạch Ngỗng được thiết kế linh hoạt theo hướng giữ hoặc gia cố theo hiện trạng tự nhiên nhằm tạo sự thân thiện và cảnh quan sinh thái. Cùng với đó, các công trình cải thiện môi trường nước và giảm ngập được bố trí lồng ghép vào các công trình cảnh quan. Khi hoàn thành, công trình này không chỉ có chức năng là công viên mà còn góp phần điều tiết nước mặt, tạo cảnh quan không gian sống, cải thiện điều kiện khí hậu.
"Thời gian qua, Viện Nghiên cứu BÐKH đã phối hợp thí điểm mô hình HTX trữ nước mưa và tăng không gian thấm trên mái nhà tại 1 hộ gia đình thuộc phường Lê Bình, quận Cái Răng và cấp độ trường học (Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Ðại học Cần Thơ; Trường Tiểu học Tân Phú, quận Cái Răng). Bước đầu cho thấy các mô hình này mang lại hiệu quả, giảm lượng nước mưa chảy tràn và trữ sử dụng nước mưa cho các hoạt động sinh hoạt. Tuy nhiên, do đặc thù địa phương chỉ có 1 mùa mưa trong năm, khi thực hiện mô hình này cần tính toán thể tích bể chứa phù hợp" - Ths. Ðinh Diệp Anh Tuấn, cho biết thêm.
Hiệu quả quản lý nước mưa và giảm ngập của HTX chính là lượng nước được giữ lại và điều tiết nhờ vào lượng nước thấm vào đất và bốc hơi, cũng như lượng nước được trữ lại cho các mục đích sử dụng khác. Theo PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, TP Cần Thơ có thể áp dụng một số mô hình HTX. Chẳng hạn, cải tạo, nạo vét ao hồ tự nhiên hiện hữu trên địa bàn và tạo mảng xanh. Qua đó, cải thiện khả năng trữ, điều hòa nước mặt và cải thiện không gian công cộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Gia tăng không gian thấm cho đô thị, các bề mặt thấm này có thể là công viên, vỉa hè, khuôn viên các công trình… Khi có mưa lớn, nước mưa sẽ chảy vào những mảng thấm này, lưu giữ tại đây và sẽ thấm từ từ vào hệ thống thoát nước. Việc này không chỉ giảm áp lực cho các cống thoát nước, nước mưa qua HTX phần nào cải thiện chất lượng nước trước khi thải ra hệ thống thoát nước. Vấn đề ở đây là việc giữ gìn vệ sinh các mảng thấm, có thể trồng một số loại cây, cỏ có khả năng chịu nước, lọc nước. Bên cạnh đó, tận dụng mái nhà, nhất là các tòa nhà cơ quan, trường học trữ nước mưa, tận dụng cho sinh hoạt. Ðối với các khu đô thị mới, thành phố khuyến khích các nhà đầu tư đưa HTX vào giảm tải đường ống thoát nước, chẳng hạn như: tăng diện tích cây xanh, hình thành các khu chứa nước…
Bài, ảnh: L. MẪN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)