Khai thác lợi thế địa phương
Đây là xu hướng được đa phần các chủ thể đăng ký tham gia sản phẩm OCOP tỉnh An Giang năm 2020 lựa chọn. Ở vùng Bảy Núi, nguồn nguyên liệu đặc trưng từ cây thốt nốt được các doanh nghiệp trẻ quan tâm khai thác, tạo ra nhiều sản phẩm thơm ngon, đa dạng, phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đối với cô gái trẻ Chau Ngọc Dịu (Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania, thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn), việc chấp nhận bỏ phố về quê để phát triển đặc sản địa phương phần nào được đền đáp, khi cả 2 sản phẩm đường thốt nốt bột và đường thốt nốt sệt Palmania đều được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang (Hội đồng OCOP An Giang) thống nhất đánh giá đạt 5 sao, chuyển hồ sơ lên Hội đồng OCOP Trung ương xem xét.
Đối với Công ty TNHH MTV Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia (xã Tân Lợi, Tịnh Biên), khi mang 6 sản phẩm tham gia OCOP cấp tỉnh, tất cả đều có nguồn gốc từ thốt nốt, gồm: nước màu thốt nốt nguyên chất, đường thốt nốt (dạng bột) MOUN7AINS, đường thốt nốt dạng viên, đường thốt nốt cô đặc MOUN7AINS, rượu vang thốt nốt (12% vol) và rượu thốt nốt 29 độ. Tất cả 6 sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn OCOP trong đợt đánh giá vừa qua của Hội đồng OCOP An Giang (đợt 3 năm 2020).
“Với ly rượu thốt nốt, khi mới nhấp môi có vị đắng nhẹ nhưng nhấp thêm ngụm nữa lại có vị ngọt ngào, có thể cảm nhận được mùi vị đặc trưng của thốt nốt. Đây là sản phẩm mang tính đậm đà của người An Giang, là niềm tự hào của công ty” - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia Trần Thanh Nghị chia sẻ.
Cũng lớn lên ở vùng đất Tịnh Biên, chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (ấp Tân Thành, xã Tân Lập) mang đến sản phẩm rượu cà na Hòa Kiều với câu chuyện đơn giản là “thu mua cà na để mấy cháu học sinh có tiền đi học” và muốn phát triển loại rượu mang hương vị đặc trưng của miền Tây sông nước. Đối với Công ty TNHH Thảo Hương (TP. Châu Đốc), cũng tận dụng nguồn nguyên liệu nước thốt nốt Bảy Núi để phát triển sản phẩm nước màu thốt nốt. Trong khi đó, hộ sản xuất - kinh doanh (SXKD) Cô Tư Ấu (TP. Châu Đốc) lại chọn tham gia sản phẩm rất đặc trưng là mắm thái.
Các sản phẩm tham gia đánh giá OCOP tỉnh An Giang đợt 3 năm 2020
Chú trọng chất lượng
Là đơn vị đại diện duy nhất của TX. Tân Châu tham gia đánh giá OCOP cấp tỉnh đợt 3 năm 2020, Công ty TNHH SXTM Thanh Hồ thuyết phục được Hội đồng OCOP An Giang khi sản phẩm tương hột hảo hạng Thanh Hồ tận dụng tốt nguồn nguyên liệu đậu nành địa phương kết hợp đường thốt nốt Bảy Núi, cho ra loại tương hột có màu sắc đẹp tự nhiên, chất lượng thơm ngon.
Tại đợt đánh giá sản phẩm OCOP đợt 3 vừa qua, TP. Long Xuyên là địa phương có số lượng sản phẩm tham gia đông đảo với 7 loại đặc sản. Trong đó, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang mang đến sản phẩm cá linh kho mía và nắm cá linh chưng, vốn “gây nghiện” và trở thành món quà không thể thiếu của những người con An Giang xa xứ. Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả (phường Bình Đức) mang đến sản phẩm gạo sữa, áp dụng công nghệ sấy ẩm độ thấp, cho chất lượng cơm thơm ngon độc đáo.
Đối với Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (phường Bình Khánh), sau thành công với sản phẩm trà xạ đen (được xếp hạng OCOP 3 sao trong đợt 1 năm 2020), tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm trà xạ đen túi lọc tiện dụng. Cơ sở Hương Sen (phường Mỹ Hòa) thì tham gia 2 sản phẩm nước tương và tương đậu Hương Sen, còn Cơ sở Hai Thuận tham gia sản phẩm nước cốt dâu tằm. Tất cả đều thuyết phục được Hội đồng OCOP An Giang.
Cuộc họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 3 vừa qua chứng kiến sự nỗ lực lớn của các chủ thể sản xuất ở các huyện. Điển hình như huyện Chợ Mới có 3 sản phẩm đạt yêu cầu là: khô cá lóc của hộ SXKD Kim Loan, bánh hạnh nhân của Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh và nước ép xoài đóng lon của Hợp tác xã (HTX) SXKD dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới. Trong đó, sản phẩm nước ép xoài đóng lon là nỗ lực rất lớn nhằm tạo ra sản phẩm đa dạng, giá trị cao từ trái xoài ở vùng đất lâu nay chủ yếu bán xoài trái tươi.
Trên vùng đất Thoại Sơn, cùng với thế mạnh cây lúa, nhiều loại cây trồng giá trị cao đã được nông dân đẩy mạnh chuyển đổi. Lần đầu tham gia đánh giá OCOP cấp tỉnh, các chủ thể từ vùng đất Ông Thoại mang đến 5 sản phẩm độc đáo. Trong đó, cơ sở sản xuất chế biến nấm linh chi Tri Thức tham gia sản phẩm nấm linh chi, cơ sở sản xuất Thanh Nam tham gia sản phẩm trà mãng cầu, HTX nông nghiệp An Bình mang đến sản phẩm gạo an toàn An Bình 1, hộ sản xuất bưởi da xanh Lê Thị Hạnh giới thiệu sản phẩm bưởi da xanh, còn cơ sở sản xuất nông nghiệp Bảo Trang tham gia sản phẩm trà atiso đỏ.
Đối với huyện Châu Phú, có 4 sản phẩm đặc trưng tham gia OCOP cấp tỉnh là rượu đinh lăng của cơ sở rượu Ngọc Hân, nhãn xuồng của Tổ hợp tác nhãn xuồng Khánh Hòa, khoai môn sấy của Công ty TNHH SM-TM Gia Bảo và mật ong của hộ SXKD Cẩm Tú. Đối với Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Thanh Tùng (Phú Tân), cả 2 sản phẩm chả cá tẩm gia vị và chả cá rút xương tẩm gia vị đều đạt yêu cầu, được Hội đồng OCOP An Giang đánh giá cao.
Qua 3 đợt đánh giá, có 40 sản phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang năm 2020. Trong đó, có 5 sản phẩm được Hội đồng OCOP An Giang đánh giá 5 sao (chuyển tham dự Hội đồng OCOP Trung ương), còn lại là sản phẩm phân hạng 3, 4 sao.
NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)