Nhà máy đốt rác phát điện tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai vừa được Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận hoàn thành 5 công trình BVMT. Ảnh: CTV
Theo đó, các tổ chức, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân về tác hại của chất thải nhựa, túi nylon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân cùng hành động để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa và nylon tới môi trường tự nhiên; nâng cao nhận thức và chuyển biến hành vi của cộng đồng, tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đơn vị về các hoạt động BVMT...
Theo thống kê, ở Việt Nam, hiện nay mỗi hộ gia đình sử dụng tương đương 1kg túi nhựa/tháng. Tại TP Cần Thơ, hiện nay tổng lượng chất thải sinh hoạt được thu gom khoảng 600 tấn/ngày, trong đó tổng các sản phẩm nhựa, nylon được thu gom từ 48-72 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ từ 8-12% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom. Nếu xử lý không triệt để, không đúng quy trình, lượng rác thải nhựa này sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong tương lai. Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, nhận định: “Phần lớn rác thải rắn, rác thải nhựa, túi nylon được thải ra môi trường do thói quen sử dụng trong sinh hoạt của người dân. Nếu chúng ta không cải thiện được thói quen tiêu dùng thì mọi gánh nặng của việc xử lý sẽ đổ dồn lên hoạt động thu gom và xử lý chất thải của đơn vị chức năng... Thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành, đơn vị, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân BVMT, thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, BVMT trên địa bàn…”.
Ðiển hình, trong 2 năm 2018 và 2019 thực hiện chương trình phối hợp BVMT, Ủy ban MTTQVN các cấp trên địa bàn TP Cần Thơ đã xây dựng được 161 mô hình điểm về BVMT, xây dựng 219 mô hình điểm ở khu dân cư về phòng chống rác thải nhựa, BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng 161 tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, vận động nhân dân trồng trên 9.050 cây hoa kiểng hai bên tuyến đường; lắp đặt 276 thùng chứa rác; đào 236 hố chôn rác và tiêu hủy rác… với tổng kinh phí thực hiện trên 2,3 tỉ đồng. Hiệu quả mang lại từ các mô hình điểm đã giúp bộ mặt khu dân cư ngày càng khởi sắc, cảnh quan môi trường sạch, đẹp và an toàn.
TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực thực hiện giải pháp BVMT. Một trong những kết quả quan trọng nhất là việc xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ với tổng diện tích 5,3ha, đã đánh dấu sự cải tiến của TP Cần Thơ trong việc xử lý chất thải rắn, BVMT. Dự án có tổng mức đầu tư 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Hiện nay, lượng rác trung bình tiếp nhận mỗi ngày của nhà máy hơn 453 tấn (chiếm khoảng 70% lượng rác sinh hoạt thải ra hằng ngày của TP Cần Thơ). Tổng lượng rác xử lý đến cuối tháng 8-2020 hơn 317.000 tấn, tạo ra gần 103 triệu kWh điện.
Mới đây, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ vừa được Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận hoàn thành 5 công trình BVMT, gồm: công trình thu gom và xử lý nước thải; công trình xử lý bụi, khí thải; công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn thông thường; công trình và thiết bị lưu giữ chất thải nguy hại và các công trình, biện pháp BVMT khác. Trong đó, đối với việc xử lý nước rỉ rác, nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý với công suất 200m3/ngày, đêm. Nước rỉ rác sau khi xử lý đạt quy chuẩn được tái sử dụng cho hoạt động của nhà máy, không thải ra môi trường. Tro xỉ còn lại sau quá trình đốt rác được sơ chế, xử lý tại khu vực lưu chứa của nhà máy và sẽ được chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý hoặc sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng (đối với tro xỉ đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định)…
Người dân trên địa bàn quận Ninh Kiều phân loại rác, đáp ứng theo yêu cầu xử lý rác của đơn vị thu gom.
Ngoài ra, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ cũng được xác nhận hoàn thành chương trình quan trắc môi trường gồm giám sát chất lượng nước thải định kỳ, giám sát khí thải và giám sát bùn thải từ hệ thống xử lý nước rỉ rác. Bộ TN&MT cũng yêu cầu đơn vị quản lý tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về BVMT, thường xuyên vận hành và lập nhật ký vận hành các công trình nêu trên. Thực hiện chương trình quan trắc môi trường và báo cáo công tác BVMT định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ (chủ đầu tư xây dựng và quản lý) sẽ tiếp tục xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ trở thành dự án trọng điểm trong mô hình đô thị xanh ở khu vực ÐBSCL; hợp tác xử lý rác đã qua chôn lấp ở bãi rác lộ thiên trên địa bàn TP Cần Thơ, góp phần cải tạo môi trường của thành phố…
Ông Ðào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhận định: “Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đưa vào hoạt động, khai thác hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết, xử lý rác thải, BVMT tại TP Cần Thơ. Hoạt động phân loại rác thải, thu gom, vận chuyển rác cần thực hiện theo yêu cầu, nhằm đảm bảo hiệu quả xử lý rác thải của nhà máy. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức BVMT, giảm dần rác thải nhựa, túi nylon khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường (túi bao bì giấy tự hủy), thu gom - tái chế rác thải nhựa khó phân hủy; sử dụng vật liệu đóng gói, gói quà sản phẩm bằng giấy... nhằm hạn chế lượng rác thải rắn, rác thải nhựa thải ra môi trường, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp”.
HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)