Tận dụng các FTA để đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản

Thứ bảy, 26 Tháng 9 2020 15:55 (GMT+7)
Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “8 tháng năm 2020, xuất khẩu thủy sản vào hầu hết các thị trường đều giảm do dịch COVID-19, chỉ có thị trường Mỹ tăng trưởng nhờ mặt hàng tôm. Đối với cá tra 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu liên tục giảm và đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ”... Vì vậy, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) được nước ta ký kết với các đối tác đã có hiệu lực, nhất là FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), để đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản trong thời gian tới là cơ hội để bảo đảm phát triển bền vững.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.
 
Xuất khẩu thủy sản giảm
 
Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ ngày 1-1 đến 15-8-2020 đạt 4,767 tỉ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra và cá ngừ đều giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ giảm khoảng 15,4% so với cùng kỳ và đến ngày 15-8 chỉ đạt 384,909 triệu USD. Riêng xuất khẩu tôm đạt gần 2,1 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ và chiếm 43,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Xuất khẩu tôm thẻ chiếm 71,3% kim ngạch xuất khẩu tôm, tăng hơn 12% so với cùng kỳ, trong khi tôm sú chiếm 16,9% kim ngạch xuất khẩu tôm và giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của nước ta từ ngày 1-1 đến 31-8-2020 đạt 913,427 triệu USD, giảm 29,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đạt 295,855 triệu USD, giảm 24,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 154,514 triệu USD, giảm 17,8%; xuất khẩu vào thị trường ASEAN đạt 91,303 triệu USD, giảm 30,3%; xuất khẩu vào EU đạt 89,916 triệu USD, giảm 34,2% so với cùng kỳ.
 
Thời gian qua, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm trên thế giới và ảnh hưởng sức tiêu thụ hàng nên xuất khẩu thủy sản của nước ta vào nhiều thị trường bị giảm. Ðồng thời, nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản trên thế giới cũng tăng cường các rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại như: áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình thanh tra riêng biệt, quy tắc xuất xứ, trách nhiệm xã hội, lao động... Ngoài ra, sản phẩm thủy sản nước ta còn chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nước xuất khẩu thủy sản, trong khi nguồn nguyên liệu nhiều loại thủy sản trong nước chưa ổn định, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, giá thành sản xuất còn cao, làm giảm khả năng cạnh tranh.
 
Mở rộng thị trường
 
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức như trên, đòi hỏi các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, người nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cần quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn để tăng cường sản xuất gắn với nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ðồng thời, nắm bắt  tốt các cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường trong và ngoài nước. Cần chú trọng tận dụng lợi thế từ việc cắt, giảm thuế từ các FTA, nhất là EVFTA vừa có hiệu lực. Cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu con giống, thức ăn đến các công đoạn nuôi thành phẩm, đẩy mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, thương hiệu sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu về cấp mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc… Qua đó, mới có thể vượt qua được các “rào cản”, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ.
 
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, cho rằng: “Cùng với con tôm, cá tra phải là thương hiệu quốc gia nên tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT triển khai sớm. Tỉnh An Giang cũng rất cảm ơn Bộ đã hỗ trợ tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp và những vùng nuôi thủy sản công nghệ cao và tỉnh rất mong Bộ tiếp tục hỗ trợ để địa phương sớm hoàn thành, tạo thuận lợi đưa sản phẩm thâm nhập tốt vào thị trường châu Âu 550 triệu dân, với thu nhập 30.000 USD/người/năm là thị trường rất rộng mở”.
 
Ông Ðỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nam Việt, cho biết: “Ðể tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cũng luôn quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ. Kịp thời cập nhật cả các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm được quy định tại các thị trường, cũng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng”. Theo ông Nghiệp, việc mở rộng thêm các thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với doanh nghiệp thủy sản hiện nay là rất quan trọng. Doanh nghiệp rất mong các cơ quan chức năng tăng cường đàm phán với các nước, kịp thời tháo gỡ các rào cản, giúp doanh nghiệp phát triển xuất khẩu và trao đổi hàng hóa 2 chiều.
 
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, thời gian qua Cần Thơ cũng luôn quan tâm tăng cường công tác quản lý và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong nuôi trồng và khai thác thủy sản, cũng như ứng dụng các quy trình, công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng thủy sản. Dù công tác quản lý đối với các hộ nhỏ lẻ còn gặp khó, nhưng nhìn chung nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại thành phố đã thực hiện khá tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ và sản xuất đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế