Kiểm soát chất lượng tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Chủ nhật, 27 Tháng 9 2020 07:15 (GMT+7)
Trong 9 tháng qua, tác động của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, ước đến cuối tháng 9-2020, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Cần Thơ tăng 5,99% so với cuối năm 2019 và cao hơn mức bình quân chung cả nước. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh Cần Thơ, đây là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố. Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ, về vấn đề này.
 
* Thưa ông, trạng thái bình thường mới, thực hiện nhiệm vụ kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, ngành ngân hành đã đồng hành, cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố ra sao?
 
- Thật sự là nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển kinh tế, Chi nhánh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện các văn bản chỉ đạo của NHNN; trong đó, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ các giải pháp nêu tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN; chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho DN, người dân trong tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật. Giải thích kịp thời, đầy đủ, minh bạch những trường hợp khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận các chương trình hỗ trợ để hạn chế phát sinh các phản ánh, khiếu kiện.
 
Các Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn giảm lãi vay theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN; triển khai các chương trình cho vay mới với nhiều ưu đãi cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thực hiện hỗ trợ chi phí cho khách hàng. Ước đến cuối quý III-2020, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay khoảng 1.600 tỉ đồng cho hơn 950 khách hàng bị thiệt hại; một số khoản nợ các TCTD trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi dịch COVID-19 đã góp phần hỗ trợ đáng kể để các khách hàng cá nhân cũng như DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tất toán được các khoản nợ đã được cơ cấu hoặc giữ nguyên nhóm nợ. Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1-2020 đạt khoảng 22.000 tỉ đồng cho hơn 4.500 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
 
Thành phố cũng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19. Các DN đã cơ cấu lại sản xuất, tăng cường tìm kiếm khách hàng và đối tác kinh doanh mới góp phần khôi phục sản xuất. Theo đó, một số ngành, lĩnh vực tăng và đạt mức gần tương đương cùng kỳ năm 2019 cũng tạo cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Hoạt động thu mua, chế biến lúa gạo phục vụ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Hoạt động thu mua, chế biến lúa gạo phục vụ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
 
* Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm nay toàn hệ thống ngân hàng cả nước thấp so với mục tiêu kỳ vọng. Vậy đối với TP Cần Thơ, tăng trưởng tín dụng có khả quan hơn không, thưa ông?
 
- Cũng phải nhận định khách quan là do dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực; đặc biệt là dịch vụ, du lịch là phát triển rất thấp. Song, với sự chỉ đạo của thành phố và sự quyết liệt của ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 9 tháng trên địa bàn TP Cần Thơ cao hơn mức trung bình toàn quốc.
 
Cụ thể, ước đến cuối quý III-2020, vốn huy động đạt 83.700 tỉ đồng, tăng 2,96% so với cuối năm 2019 và tăng 7,36% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn vốn huy động đáp ứng được 86,47% tổng dư nợ trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay đạt 96.800 tỉ đồng, tăng 5,99% so với cuối năm 2019 và tăng 14,03% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đối với các chương trình tín dụng ưu tiên, như cho vay xuất khẩu đạt 12.900 tỉ đồng, tăng 14,13% so với cuối năm 2019; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa dư nợ ước đạt 21.500 tỉ đồng, tăng 15,65% so với cuối năm 2019...
 
Đối với TP Cần Thơ, lợi thế là xuất khẩu gạo và thủy sản duy trì khá tốt. Nhu cầu thế giới tăng, trong 9 tháng, xuất khẩu gạo vừa được sản lượng và giá trị, nên cho vay xuất khẩu gạo tăng trưởng rất tốt. Dư nợ cho vay thu mua lúa, gạo của các TCTD đạt khoảng 7.600 tỉ đồng, tăng 5,53% so với cuối năm 2019; dư nợ nuôi trồng, chế biến cá tra 5.000 tỉ đồng, tăng 1,98% so với cuối năm 2019… Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 5,0%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 6,0-8,5%/năm; trung, dài hạn từ 8,5-11%/năm.
Song song đó, thông qua đối thoại của lãnh đạo thành phố với DN, NHNN chi nhánh đã ghi nhận nhiều ý kiến của DN. Vừa qua, chi nhánh đã thành lập đoàn công tác đến làm việc với các ngân hàng thương mại lớn để kiểm tra công tác triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Có thể nói, hầu hết các vướng mắc, khó khăn đều được tháo gỡ, các TCTD đã rất chủ động đồng hành và chia sẻ cùng DN.
 
* Thưa ông, để đảm bảo chất lượng tín dụng và thúc đẩy dòng vốn ra thị trường, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, chi nhánh đã thực hiện kiểm soát chất lượng tín dụng ra sao?
 
- Chi nhánh đã yêu cầu các TCTD tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng, nhưng không hạ thấp tiêu chí duyệt cho vay, mà chỉ thúc đẩy giải quyết nhanh các thủ tục nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng và hạn chế nợ xấu trong tương lai. Đồng thời NHNN chi nhánh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Duy trì việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn, đồng hành hỗ trợ các TCTD tháo gỡ khó khăn trong xử lý, phát mại tài sản đảm bảo. Nợ xấu ước cuối quý III-2020 chỉ khoảng 1.150 tỉ đồng, chiếm 1,19% tổng dư nợ cho vay.
 
Song song đó, các TCTD trên địa bàn tiếp tục tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, triển khai thực hiện các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến nay, một số khách hàng phục hồi được sản xuất trở về trạng thái bình thường mới đã thực hiện tất toán nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, cho thấy các giải pháp kịp thời của NHNN và sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng đã mang đến hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
 
* Xin cảm ơn ông!
 
GIA BẢO - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế