Nhiều giải pháp hỗ trợ đầu ra cho nông sản
Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản của Tiền Giang gặp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid - 19, ngành Công Thương Tiền Giang đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ DN, HTX, cơ sở thu mua… tìm kiếm đối tác, mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường nội địa.
Ngành Công Thương Tiền Giang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Văn Tuấn - quyền Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang - cho biết: nhằm hỗ trợ đầu ra cho hàng hóa nông sản ảnh hưởng do dịch Covid-19, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu tới UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ và nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho DN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xúc tiến thương mại nội địa và xem đây là kênh tiêu thụ trọng yếu.
Cụ thể, Sở Công Thương Tiền Giang đã tham mưu và được UBND tỉnh thống nhất chủ trương về hỗ trợ DN, HTX, cơ sở thu mua chi phí tiền điện sử dụng cho việc lưu kho, chi phí thuê kho, chi phí vận chuyển tiêu thụ trái cây tại thị trường trong nước thông qua tổ chức hoạt động bán hàng. Qua đó, vận động các DN, HTX, cơ sở thu mua và bảo quản thanh long giúp bà con có diện tích thanh long đang vào đợt thu hoạch.
Song song đó, Sở đã chủ động tham mưu tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng DN, HTX tiêu thụ trái cây”, liên kết với siêu thị Big C (bên tiêu thụ) và HTX Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đưa trái thanh long và siêu thị Big C (tại tỉnh Bình Dương). Kết quả 2 bên đã có 2 đợt giao hàng 10 tấn thanh long ruột đỏ và 10 tấn thanh long ruột trắng. Đến nay, HTX Mỹ Tịnh An đang duy trì cung ứng thanh long cho hệ thống siêu thị Big C.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang, Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN)… hỗ trợ Công ty TNHH Long Việt, Công ty TNHH Lức Tiếp bán thanh long tại KCN Long Giang, KCN Tân Hương, Cụm Công nghiệp Trung An 16,5 tấn thanh long ruột đỏ. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giúp đẩy mạnh tiêu thụ thanh long trong giai đoạn giá bán thấp và tình hình xuất khẩu bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, Sở Công Thương Tiền Giang tổ chức 2 phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông và xã Tân Hương, huyện Châu Thành; tổ chức đoàn kết nối cung cầu và khảo sát thị trường tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Lào Cai. Đồng thời, Sở đã có nhiều văn bản đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và các nhà phối lớn tại TP. Hồ Chí Minh như: Big C, Coopmart, Vinmart+, Bách hóa xanh… và các Sở Công Thương các tỉnh, thành hỗ trợ kết nối tiêu thụ trái cây của Tiền Giang. Từ đó, hỗ trợ tiêu thụ một số nông sản tỉnh nhanh chóng, giúp người nông dân giảm thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Sở Công Thương Tiền Giang tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa, nhằm hỗ trỡ doanh nghiệp
Đặc biệt, từ khi Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phát động và tổ chức Chương trình hợp tác thương mại và Kết nối – cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vào năm 2016, Sở Công Thương Tiền Giang đã tích cực, chủ động hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình kết nối.
Cụ thể, Sở đã đứng ra tổ chức, hỗ trợ DN trưng bày hàng hóa nông sản, nhằm giới thiệu đến với người tiêu dùng, nhà phân phối lớn về sản phẩm và DN cung ứng sản phẩm của tỉnh. Thông qua chương trình định kỳ hàng năm, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho gần 50 lượt DN tham gia trưng bày sản phẩm, kết nối cung cầu.
Kết quả, nhiều mặt hàng nông sản của Tiền Giang được các nhà phân phối chú ý và thương thảo ký hợp đồng tiêu thụ như: Sản phẩm của HTX rau Gò Công, HTX Gà ta Gò Công, HTX Rau Tân Đông, Cơ sở mắm tôm chà Hai Diễm… Theo đánh giá của các DN, Chương trình hợp tác thương mại và kết nối - cung cầu hàng hóa với TP. Hồ Chí Minh, thực sự là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả và thiết thực.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại
Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn ra phức tạp, nhằm mở rộng mạng lưới phân phối, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản ổn định, lâu dài, ông Đặng Văn Tuấn - cho biết, Sở Công Thương đã lên kế hoạch xúc tiến thương mại từ nay đến cuối năm 2020.
Cụ thể, Sở đang tham mưu UBND tỉnh thành lập điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang; tổ chức “Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiền Giang năm 2020” dự kiến diễn ra từ ngày 23/11-28/11/2020; Tổ chức đoàn tham gia Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại du lịch gắn với lễ hội OkOmBok tỉnh Trà Vinh (tháng 10); tham Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh; hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Tiền Giang với các tỉnh thành; Hội chợ Công Thương khu vực miền Đông Nam bộ tại Bình Phước (tháng 11)…
Ngoài ra, để giúp DN giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang, Sở Công Thương cũng đang hỗ trợ thực hiện điểm bán sản phẩm tại đường Trần Văn Dược (bến phà Rạch Miễu trước đây).
Đáng chú ý, Sở Công Thương đang xây dựng Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang để hỗ trợ cho các DN giới thiệu, trao đổi, mua bán sản phẩm thông qua sàn. Đồng Thời, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh qua các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Minh Khuê - (congthuong.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)