Doanh nghiệp tìm lối mở để tồn tại và lớn mạnh

Thứ bảy, 17 Tháng 10 2020 07:14 (GMT+7)
Để tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp Việt đã thực hiện chuyên nghiệp hóa từ khâu quản lý sản xuất đến cung ứng sản phẩm, hàng hóa ra thị trường. Cùng đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến từ các ngành, các hiệp hội doanh nghiệp... đã giúp cho doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Công ty TNHH MTV Đinh Gia Foods quảng bá, giới thiệu sản phẩm đậu phộng tại hội chợ tổ chức ở TP Cần Thơ.
 
►Tìm lối mở
 
Trung tuần tháng 9-2020, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã tổ chức buổi kết nối trực tuyến cho 17 doanh nghiệp HVNCLC tiếp cận với các đối tác, chuỗi siêu thị Ausviet Food và Tae Han food của Úc. Hoạt động này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nhà phân phối nước ngoài, mở rộng kênh phân phối, hướng tới thị trường xuất khẩu. Ngoài thị trường Úc, Hội Doanh nghiệp HVNCLC còn kết nối cho doanh nghiệp HVNCLC gặp gỡ với các nhà mua hàng, nhà phân phối ở thị trường châu Âu, Mỹ… Các hoạt động giao thương trực tuyến, góp phần tạo cơ hội quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm, tăng độ nhận diện thương hiệu Việt đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.
 
Ðể chinh phục thị trường, Công ty TNHH MTV Ðinh Gia Foods (DGfoods) đã tăng cường nghiên cứu đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm với hình thức bắt mắt và nâng chất lượng cho các dòng sản phẩm truyền thống. Không chỉ vậy, để tạo sự khác biệt và thu hút khách hàng, đầu tháng 9-2020, DGfoods còn cho ra mắt 2 dòng sản phẩm mới là đậu phộng sầu riêng đa sắc và đậu phộng sữa chua đa sắc. Ðây là dòng sản phẩm được phối hợp giữa đậu phộng thuần Việt với các nguyên liệu tự nhiên, như: cơm sầu riêng tươi, sữa chua, màu lá dứa, lá cẩm, hoa đậu biếc,… tạo nên những dòng sản phẩm đa sắc, có hương vị đặc trưng. Qua đó, người tiêu dùng có thể thưởng thức món đậu phộng với đủ loại hương vị khác nhau bên cạnh các dòng sản phẩm truyền thống.
 
Ông Ðinh Công Minh Thông, Giám đốc DGfoods, cho biết: Năm nay, doanh thu và lợi nhuận của DGfoods bị sụt giảm liên tục, bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song, doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Với quyết tâm vượt qua trở ngại, doanh nghiệp phát triển thêm sản phẩm mới, tăng cường các hoạt động chăm sóc khách hàng thân thiết, kết nối tìm kiếm khách hàng mới; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa. Ðồng thời duy trì quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn: HACCP, Halal, HVNCLC - Chuẩn hội nhập để tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn - chất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
 
Ðể tăng sức cạnh tranh thị trường, Công ty TNHH MTV Thương mại Minh Ðức Thành, quận Thốt Nốt không chỉ quảng bá các sản phẩm khô cá nạc (KOCANA) qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, nông sản trong và ngoài thành phố, mà còn tăng cường ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng và chế biến sản phẩm. Các sản phẩm KOCANA, như: cá tươi phi lê, cá sấy 1 nắng, cá sấy khô, cá sấy chín ăn liền, được sản xuất theo chuỗi khép kín, đạt chứng nhận VietGAP và ISO 22000: 2005, đảm bảo chất lượng tươi ngon, phục vụ đa dạng nhu cầu thị trường. Hiện, công ty có khả năng cung ứng trên 1.200 tấn khô cá nạc/năm, từng bước tăng độ nhận diện thương hiệu KOCANA, chinh phục khách hàng trong và ngoài nước.
 
►Nắm bắt thời cơ
 
Trước tác động của dịch COVID-19, phần lớn các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp đều bị ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng,... Song, rủi ro luôn song hành với cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, tìm hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng đó, sự vào cuộc của các ngành, các hiệp hội, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường cũng như giao thương trực tuyến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tiếp cận với đối tác có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nông sản... của nước ta.
 
Ðể tiếp sức cho các doanh nghiệp Việt vượt qua thách thức của đại dịch COVID-19, Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã phối hợp với Liên minh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS) tổ chức những chương trình huấn luyện, đào tạo, hỗ trợ bán hàng và truyền thông, nhằm nâng cao năng lực kinh doanh thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó có doanh nghiệp HVNCLC, doanh nghiệp khởi nghiệp trong mạng lưới của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, DTS sẽ triển khai chương trình Go - Online, tư vấn và huấn luyện kiến thức kinh doanh online và chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Cộng đồng doanh nghiệp Cần Thơ ngày một quan tâm hơn đến việc phát triển kênh bán hàng online. Theo ông Ðinh Công Minh Thông, DGfoods đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua 2 kênh là website và fanpage… giúp doanh nghiệp củng cố thị phần nội địa, hướng tới xuất khẩu. Hiện sản phẩm đã nhận tín hiệu tích cực từ thị trường, được nhiều khách hàng và các đối tác nhiệt tình ủng hộ. Song, để đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị và hướng tới xuất khẩu, DGfoods sẽ tăng cường tìm kiếm khách hàng mới, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại từ Sở Công Thương thành phố và Hội Doanh nghiệp HVNCLC.
 
Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch DTS, cho biết: Chương trình Go - Online chủ yếu tập trung vào nghiệp vụ bán hàng, marketing, cách chăm sóc khách hàng online như thế nào… nhằm giúp cho doanh nghiệp bán hàng, cải thiện doanh thu giữa dịch COVID-19. Hướng tới, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp và DTS sẽ tổ chức những lớp học miễn phí cho các học viên tham gia, sau đó sẽ triển khai bước 2 là “chẩn đoán” online về “sức khỏe” số của doanh nghiệp để biết được thực trạng và thực tế đầu tư cho online của doanh nghiệp hiện như thế nào. Mặt khác, “chẩn đoán” online cũng đo được mức độ hiển thị về tên thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp trên internet. Từ đó giúp cho doanh nghiệp nhận thức tổng thể mình đang đứng ở đâu trong việc triển khai, ứng dụng công nghệ số so với các đối thủ cạnh tranh. Ðó là động lực giúp doanh nghiệp có thể cải tiến, phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
 
Cùng với sự trợ lực từ các ngành, các hiệp hội, việc doanh nghiệp chủ động tìm ra hướng đi mới, xây dựng chiến lược kinh doanh mới theo nhu cầu mới của thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp Việt củng cố thị phần, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa. Ðồng thời, nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh… và tự tin tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế