Đặc sản lạ Sóc Trăng: Loại trà không làm từ cây chè, giá 1 triệu/kg

Thứ tư, 21 Tháng 10 2020 15:01 (GMT+7)
Không giống trà xanh vừa chát vừa ngọt hậu vị nhưng e ngại chứa nhiều hóa chất, trà mãng cầu xiêm được cho là loại trà mới với 100% từ quả mãng cầu, không phẩm màu, không hóa chất nên dù giá đắt đỏ vẫn được nhiều khách đặt mua.
 
Vài năm trở lại đây, trà mãng cầu được coi là một đặc sản của Sóc Trăng. Nơi đây, có rất nhiều cây mãng cầu xiêm, hay còn gọi là mãng cầu gai, thơm ngon và chất lượng. Do mỗi mùa thu hoạch mãng cầu xiêm, người dân nơi đây thu hoạch được số lượng nhiều. Chưa kể, loại quả này không bảo quản được lâu. Hơn nữa, nếu được mùa thì chúng có giá rẻ. Vì thế nhiều hộ gia đình ở Sóc Trăng đã thử tìm cách chế biến quả mãng cầu tươi thành các sản phẩm như mứt, rượu, trà,... 
 
Theo bà Phạm Minh Hằng - một tiểu thương bán trà mãng cầu xiêm Sóc Trăng 2 năm nay, trà mãng cầu là thực phẩm dễ sử dụng mà bảo quản được lâu nhất. Ban đầu loại trà này chỉ được người Sóc Trăng làm rất thủ công: thu hái quả, thái sợi, phơi khô, đem rang trên lửa nhỏ, cho vào hộp.
 
Đặc sản lạ Sóc Trăng: Loại trà không làm từ cây chè, giá 1 triệu/kg
Mãng cầu được trồng nhiều ở Sóc Trăng
 
Khi sử dụng, ai cũng khen ngon, dễ uống, uống thấy cảm giác sảng khoái. Từ đó, loại trái cây này mới được chú ý đặc biệt và nâng cấp thành một loại trà nổi tiếng cả nước.
 
“Trà trái cây mãng cầu xiêm được chế biến từ quả mãng cầu tươi cắt lát và sấy khô, sau đó đóng gói cầu kỳ. Sản phẩm cũng được kiểm nghiệm và đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Do quy trình làm khép kín nên trà làm từ trái mãng cầu tươi không bị mất đi giá trị dinh dưỡng và dược tính của nó”, bà Hằng nói.
 
Chính bởi vậy, khi uống loại trà lạ miệng này, khách sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng và hương vị thanh tao của trái mãng cầu. Trà tuyệt đối không có vị chua như khi ăn quả chín. 
 
Hơn nữa, để làm trà mãng cầu ngon, người làm đặc biệt chú ý đến việc chọn những quả mãng cầu xiêm già vừa đủ. Bởi lúc này, tính axit và lượng vitamin C trong mãng cầu chưa cao nên trà mãng cầu luôn có vị thanh tự nhiên mà không có bất kỳ hóa chất hay phụ gia nào.
 
Đặc sản lạ Sóc Trăng: Loại trà không làm từ cây chè, giá 1 triệu/kg
Mãng cầu được thái lát, phơi khô
 
Đặc sản lạ Sóc Trăng: Loại trà không làm từ cây chè, giá 1 triệu/kg
Hoặc thái chỉ
 
Đặc sản lạ Sóc Trăng: Loại trà không làm từ cây chè, giá 1 triệu/kg
Trà mãng cầu thơm ngon, lạ miệng, dễ uống
 
Ngoài là loại trà thơm ngon, lạ miệng, dễ uống, trà mãng cầu còn rất tốt cho sức khỏe: “Trà mãng cầu có công dụng tuyệt vời trong hỗ trợ chữa chứng mất ngủ, căng thẳng, stress”, theo bà Hằng.
 
Để làm 1kg trà mãng cầu xiêm, người làm phải sử dụng khoảng 10kg quả tươi. Vì có nhiều giá trị về sức khỏe nên trà được khách thường xuyên đặt mua. Trà mãng cầu xiêm hiện có giá 500.000 đồng/kg. Còn trên thị trường, nhiều nơi bán từ 800.000 đến 1 triệu đồng/kg.
 
Lý giải về mức giá trà mãng cầu quá chênh lệch và biến động ở nhiều nơi, bà Hằng cho rằng, mỗi mùa mãng cầu xiêm cho sản lượng trà khác nhau. Điều này tác động và làm thay đổi giá trà. Nếu sản lượng nhiều thì giá trà sẽ giảm rõ rệt. Nếu sản lượng thấp, mất mùa thì giá trà sẽ tăng lên. Bởi thế, giá trà mãng cầu xiêm tùy thuộc thời điểm khách mua. 
 
Đặc sản lạ Sóc Trăng: Loại trà không làm từ cây chè, giá 1 triệu/kg
Lá mãng cầu cũng được tận dụng làm trà 
 
Bên cạnh đó, mỗi thương hiệu trà mãng cầu xiêm có mức giá khác nhau. Thực tế, nhiều thương hiệu mới có chất lượng tốt, giá thành rẻ nhưng chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, khi mua, người tiêu dùng nên tham khảo giá cả hợp lý nhất của mỗi thương hiệu trà.
 
Ngoài bán trà mãng cầu xiêm, người phụ nữ này còn bán thêm trà lá mãng cầu xiêm sấy khô. Loại trà từ lá mãng cầu xiêm cũng đắt khách mua vì có giá thành rẻ hơn. 
 
“Hiện thay vì uống các loại lá chè xanh, nhiều người cũng sính dùng trà từ lá mãng cầu sấy khô tại nhà. Chỉ cần 4-5 lá mãng cầu xiêm khô thả vào nồi nước đun sôi. Sau đó ngâm trong ít nhất 5 phút là có thể rót trà ra cốc và thưởng thức.
 
Muốn uống ngon và có lợi cho sức khỏe, có thể thêm 2 muỗng canh mật ong vào”, bà Hằng hướng dẫn.
 
Thảo Nguyên - (vietnamnet.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế