Quả bưởi Việt Nam vượt kiểm định khắt khe về chất lượng, chính thức tiến vào Chile

Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 10:01 (GMT+7)
Quả bưởi tươi Việt Nam đã có thể xuất khẩu vào Chile sau khi hoàn thành các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.
 
Theo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã cấp được 22 mã số vùng trồng với diện tích hơn 284 ha bưởi đủ điều kiện xuất khẩu sang EU. 
 
Trước đó, từ giữa tháng 10, Cộng hòa Chile đã chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi từ Việt Nam. Tuy nhiên để vào được thị trường Chile, quả bưởi nước ta phải vượt qua hàng rào kĩ thuật. Theo đó, lô hàng xuất khẩu sang Chile phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
 
 Quả bưởi tươi chính thức được xuất khẩu vào thị trường Chile.
 
Trong đó, phải ghi rõ lô hàng không có động vật chân khớp, là các loài có tên khoa học sau: Eutetranychus orientalis, Ferrisia virgata, Maconellicoccus hirsutus, Prays citri, P. endocarpa, Citripestis sagittiferella. Ngoài ra, lô hàng phải được xử lí chiếu xạ 150 Gy để kiểm soát các loại ruồi đục trái như Bactrocera cucurbitae, Bactrocera dorsalis, được xác nhận trong giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
 
Những năm gần đây, diện tích bưởi tăng nhanh (tốc độ hơn 10%/năm), với diện tích toàn miền Nam tính đến năm 2019 đạt 43.500 ha, sản lượng hơn 371.000 tấn/năm. Những tỉnh có diện tích bưởi lớn là Bến Tre (8.824 ha), Vĩnh Long (8.619 ha), Đồng Nai (5.426 ha) và hình thành những vùng trồng tập trung như bưởi da xanh (Bến Tre), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), bưởi Biên Hòa (Đồng Nai)...
 
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết giá trị thương mại bưởi toàn cầu ước đạt khoảng 1,1-1,2 tỉ USD/năm. Riêng Việt Nam, giá trị xuất khẩu bưởi tươi từ 1,195 triệu USD năm 2015 đã tăng lên 4,827 triệu USD năm 2019 và sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
 
Dự kiến cuối năm nay, bưởi tươi cũng sẽ có "visa" để xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, bưởi cũng là loại trái cây đang được ưu tiên để đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (sau sầu riêng). EU và Mỹ là 2 thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng cho bưởi Việt Nam.
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 2 tháng Hiệp định EVFTA được thực thi, xuất khẩu nông sản sang EU đã có sự chuyển biến tích cực. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản trong 2 tháng 8 và 9 ước đạt 711 triệu USD. So với tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sang EU trong tháng 8 tăng 16,6% và tháng 9 tăng 20,3%.
 
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, trước đây rau quả tươi Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu bằng đường hàng không, cước phí rất cao, rồi dùng đó làm căn cứ để tính thuế nhập khẩu làm đội giá thành. Do vậy, việc thuế suất về 0% với Hiệp định EVFTA đã tạo ra lợi thế rất lớn cho rau quả Việt Nam.
 
"EU không giới hạn mặt hàng trong ngành rau củ quả và sản lượng nhập khẩu. Trong khi đó, nhiều thị trường chính của rau quả Việt Nam đòi hỏi phải đàm phán mở cửa từng mặt hàng, khi xuất khẩu còn phải xử lý nhiệt bằng hơi nước rất tốn kém. Hơn nữa, rau quả nhiệt đới từ Việt Nam không phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của EU chủ yếu là trái cây ôn đới nên tiềm năng là rất lớn.
 
Trong tương lai, khi Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ bảo quản có thể giữ rau quả tươi hơn 40 ngày để vận chuyển bằng đường tàu biển thì chi phí sẽ hạ, giá thành rẻ hơn. Khi đó, rau quả Việt Nam sẽ càng chiếm thế thượng phong so với các đối thủ như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… hiện chưa có FTA với EU", ông Nguyên phân tích.
 
Trong khi đó, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam cũng khẳng định, EVFTA sẽ là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông - lâm - thủy sản Việt Nam, nhất là các sản phẩm có thế mạnh như thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hồ tiêu, các sản phẩm đồ gỗ...
 
Thu Hà - (vietq.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế