Bảo hộ "tài sản vô hình" trong môi trường số

Thứ năm, 29 Tháng 10 2020 08:38 (GMT+7)
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bùng nổ với Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ phần mềm… đặt ra vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với sáng chế thuộc lĩnh vực công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới trở nên bức thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thực thi quyền SHTT trong môi trường số gặp khá nhiều khó khăn. Vì vậy, các chính sách, pháp luật về SHTT đối với lĩnh vực này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa không ngăn cản sự phát triển khoa học, công nghệ, vừa đảm bảo được an ninh, bảo mật và đảm bảo quyền SHTT được bảo hộ thỏa đáng.
 
Trong bối cảnh CMCN 4.0, vấn đề bảo hộ quyền SHTT càng trở nên bức thiết. Trong ảnh: Đại diện Cục SHTT trao Quyết định nhãn hiệu chứng nhận Gạo Cần Thơ cho thành phố.
 
►Nhiều khó khăn
 
Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, cho biết: "Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu và dự báo làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý trên toàn thế giới. CMCN 4.0 là cơ hội đối với các nước đang phát triển tận dụng để vươn lên, trong đó có Việt Nam. Ðể tận dụng cơ hội này, mỗi quốc gia cần xác định những tác động của nó đối với từng lĩnh vực. Trong đó, một trong những lĩnh vực cần được quan tâm chính là SHTT, với nhiệm vụ đặt ra là toàn bộ hệ thống SHTT phải được vận hành hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".
 
Tính đến nay, TP Cần Thơ có 5.859 đơn đăng ký bảo hộ được chấp nhận và 4.086 văn bằng bảo hộ được cấp cho khoảng 1.100 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp được bảo hộ sở hữu công nghiệp còn thấp so với tổng số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của thành phố. Trong đó, bảo hộ nhãn hiệu chiếm 95%, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chiếm 4% và bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích chỉ chiếm khoảng 1%. Trong bối cảnh CMCN 4.0, vấn đề bảo hộ quyền SHTT càng trở nên bức thiết. Vấn đề xâm phạm quyền SHTT trong môi trường số ngày càng phức tạp và việc thực thi trở nên khó khăn hơn.
 
Ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh (thuộc Bộ KH&CN), chia sẻ: "Quyền SHTT có bản chất lãnh thổ nhưng Internet lại không có biên giới và không dễ dàng để theo dõi, giám sát hành vi xâm phạm quyền SHTT trên Internet. Hiện nay, các phương pháp kinh doanh trên môi trường số ngày càng phát triển nhanh chóng, đa dạng kéo theo đó là các hình thức xâm phạm quyền SHTT mới cũng xuất hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Ðây là thách thức không nhỏ đối với ngành chức năng".
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ðào tạo lãnh đạo và dịch vụ Phát Triển Bền Vững, những thành tựu từ CMCN 4.0 tác động trực tiếp tới pháp luật về SHTT. Chẳng hạn, pháp luật sẽ ứng xử như thế nào trong việc xác định quyền tác giả hoặc xâm phạm quyền SHTT đối với những sản phẩm do robot hoặc ứng dụng trí thông minh nhân tạo tạo nên.
 
►Hoàn thiện cơ chế
 
Theo các chuyên gia, hiện nay, tài sản trí tuệ trở thành một bộ phận không thể tách rời trong kết cấu giá trị tài sản của doanh nghiệp. Pháp luật Việt Nam về SHTT ngày càng được hoàn thiện theo hướng phù hợp với các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại tự do. Vấn đề bảo hộ và khai thác quyền SHTT ngày càng phát huy vai trò động lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, các chính sách bảo hộ quyền SHTT cần được điều chỉnh, bổ sung thỏa đáng vừa đảm bảo phát triển khoa học, công nghệ và đảm bảo an ninh, bảo mật. Ðồng thời, nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và công chúng; ứng dụng công nghệ số vào hoạt động SHTT; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trung gian…
 
Logo Gạo Cần Thơ.
 
Bà Trần Thị Thanh Ðiệp, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 98/KH-UBND của UBND thành phố về thực hiện các chủ trương, chính sách và giải pháp nâng cao năng lực tham gia cuộc CMCN 4.0. Ðồng thời, duy trì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật hằng năm để tìm kiếm các giải pháp, sáng chế nhằm khơi dậy sự sáng tạo; hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; xây dựng Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030; khuyến khích các chủ sở hữu tự mình khai thác, thương mại hóa sách chế, giải pháp hữu ích.
 
Ðể thúc đẩy việc bảo hộ và thực thi pháp luật về SHTT trong kỷ nguyên CMCN 4.0, ông Trương Hoàng Phương nhấn mạnh: Việt Nam cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ SHTT trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của tất cả các chủ thể nâng cao nhận thức về vai trò SHTT trong đổi mới sáng tạo, hình thành văn hóa SHTT trong toàn xã hội. Các chủ thể sáng tạo cần nâng cao hơn nữa năng lực sử dụng công cụ SHTT vào hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như kịp thời đăng ký xác lập quyền SHTT đối với các tài sản trí tuệ của mình… Các chuyên gia cũng khuyến cáo tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần xây dựng, phát triển tài sản trí tuệ gắn với lợi thế của doanh nghiệp và thế mạnh của địa phương; kiên trì, bền bỉ trong quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; đăng ký tài sản trí tuệ trong nước và quốc tế...
 
MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế