Giao diện website của Sàn thương mại điện tử TP Cần Thơ.
Ngày 14-12-2016, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3886/QÐ-UBND về Phát triển TMÐT TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 3886). Qua triển khai Quyết định 3886, hoạt động TMÐT ở TP Cần Thơ đã có bước phát triển đáng kể. Theo cập nhật của Sở Công Thương TP Cần Thơ, tính đến ngày 14-5-2020, toàn thành phố có 20 DN đã đăng ký website cung cấp dịch vụ TMÐT với Bộ Công Thương, 313 DN đã thực hiện thông báo website TMÐT bán hàng với Bộ Công Thương, 2 DN thực hiện thông báo ứng dụng bán hàng với Bộ Công Thương. Toàn thành phố hiện có trên 90% DN sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; khoảng 70% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ có 335 DN có thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký, thông báo website về Bộ Công Thương theo quy định.
Ngày càng có nhiều DN ở Cần Thơ sử dụng dịch vụ từ các website TMÐT (Lazada, Tiki, Amazon, Shopee, Yellow Pages,...), các trang mạng xã hội với mục đích giới thiệu trụ sở của DN, giới thiệu/niêm yết bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trên thực tế, DN ngày một quan tâm ứng dụng TMÐT vào hoạt động kinh doanh, song công tác quản lý hoạt động TMÐT vẫn còn không ít khó khăn. Do chưa có cơ chế giám sát, quản lý việc bán hàng thông qua mạng xã hội, nên khi có khiếu nại về hoạt động mua bán hàng hóa không đạt theo yêu cầu của người bán hoặc người mua sẽ khó cho cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý. Các giao dịch TMÐT hiện nay chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt (thông qua giao nhận hàng hóa tận nơi và thu hộ) gây khó khăn cho công tác quản lý và thu thuế…
Hướng đến việc khuyến khích, hỗ trợ DN ứng dụng TMÐT, thực hiện Quyết định số 645/QÐ-TTg ngày 15-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMÐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương TP Cần Thơ đang tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch phát triển TMÐT TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMÐT trong DN và cộng đồng; xây dựng thị trường TMÐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để lành mạnh hóa môi trường TMÐT, các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có những giải pháp để quản lý các thương nhân kinh doanh trực tuyến, qua mạng xã hội facebook, zalo,... và có biện pháp chế tài hiệu quả các DN không thực hiện thủ tục đăng ký, thông báo theo quy định về quản lý website TMÐT; tăng cường quản lý nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, quản lý kê khai thuế khi kinh doanh trên môi trường TMÐT nhằm chống thất thu cho ngân sách, bảo vệ quyền lợi khách hàng, đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái...
Trong quá trình triển khai hoạt động TMÐT, DN là chủ thể và chính DN phải xem việc đầu tư, tiếp cận và ứng dụng TMÐT là việc làm cấp thiết, tránh tình trạng lệ thuộc vào các kênh thương mại truyền thống. Ứng dụng TMÐT giúp DN tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, song cũng mang đến nhiều áp lực cạnh tranh hơn. Do đó, đi đôi với hoạt động xúc tiến TMÐT, DN phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng. DN cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phụ trách mảng TMÐT hoặc trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp có thể đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết với các đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến TMÐT. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ đã hình thành sàn giao dịch TMÐT tại địa chỉ: canthotrade.com do Sở Công Thương quản trị và phát triển. DN thành phố có thể tranh thủ tham gia quảng bá sản phẩm tại sàn giao dịch này để gia tăng kênh tiếp cận khách hàng trên nền tảng TMÐT.
Bài ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)