Giải ngân vốn ODA còn chậm
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tiến độ dự án ODA "Kè sông Cần Thơ ứng phó với biến đổi khí hậu".
Thực hiện Nghị quyết số 87/2019/QH14 (ngày 14-11-2019) của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1706/QĐ-TTg (ngày 29-11-2019) về giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020. Trong đó, kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài ngân sách Trung ương giao năm 2020 là 60.000 tỉ đồng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 10 tháng qua, đặc biệt là tháng 9 và tháng 10, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực; mức giải ngân vốn nước ngoài tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng; cao hơn cùng kỳ của năm 2019. Nếu tính thêm số kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ thì mức giải ngân này đạt trên 35%. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá như: Tây Ninh, Bình Định, Cao Bằng, Hà Nam, Bắc Kạn, Lai Châu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hải Phòng, Sóc Trăng…
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài gặp một số khó khăn, vướng mắc. Hầu hết các dự án ODA, vốn vay ưu đãi gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện các dự án này chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 từ khâu nhập máy móc, thiết bị đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, tổ chức đấu thầu... Dịch COVID-19 còn dẫn đến tình trạng thiếu thiết bị, vật tư tại các công trường xây dựng do các thiết bị, dự án được sản xuất và nhập khẩu từ các nước châu Âu, châu Á… ảnh hưởng đến việc triển khai thi công các gói thầu xây lắp. Nhiều dự án chưa làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Nhiều dự án lớn đang phải điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triền khai, chưa thể lập hồ sơ rút vốn.
Quyết tâm tạo chuyển biến
Trong 2 tháng cuối năm, nguồn vốn đầu tư công nước ngoài cần giải ngân gần 42.000 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn lớn và để gia tăng tỷ lệ giải ngân vốn ODA, việc xử lý các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn là yêu cầu cấp thiết. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cũng tập trung vào các dự án có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ký kết các hợp đồng đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối của nhà tài trợ”. Chia sẻ về kết quả giải ngân cũng như kinh nghiệm triển khai các dự án ODA có nguồn lớn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Năm 2020, Bộ GTVT được giao nguồn vốn lớn với hơn 39.800 tỉ đồng. Uớc đến cuối tháng 10, Bộ giải ngân đạt 73,3%, tương đương 29.190 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA được giao 6.131 tỉ đồng với 22 dự án, giải ngân đạt 66,7% kế hoạch vốn. Kết quả giải ngân khả quan là nhờ Bộ bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ trong giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, phân bổ vốn. Bộ GTVT cũng tranh thủ được sự hỗ trợ của các địa phương để giải phóng mặt bằng các công trình giao thông quy mô lớn, kết nối liên vùng. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ để thực hiện các quy trình thủ tục liên quan; ràng buộc trách nhiệm với các nhà thầu về kế hoạch, tiến độ triển khai các dự án, nâng cao trách nhiệm của các ban quản lý dự án...
Các dự án ODA đang triển khai trên địa bàn TP Cần Thơ cũng gặp không ít khó khăn làm ảnh hưởng kết quả giải ngân vốn: chậm giải phóng mặt bằng, các gói thầu thi công kè sông thích ứng biến đổi khí hậu phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thủy văn; một số hạng mục phải điều chỉnh thiết kế… Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, trong 2 tháng cuối năm, TP Cần Thơ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA. Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án và sẽ xử lý trách nhiệm khi không đạt tiến độ. Tiếp tục gỡ khó trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, vận động người dân nhận hỗ trợ tạm cư để bàn giao mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các khu tái định cư để bố trí cho dân. Chủ tịch UBND thành phố cũng đã phân công các Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách từng dự án, chịu trách nhiệm chỉ đạo thường xuyên kiểm tra hiện trường, kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho dự án; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, phấn đấu giải ngân nguồn vốn đã bố trí đạt tỷ lệ trên 90%.
Tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vay ưu đãi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác giải ngân vốn ODA còn nhiều vướng mắc do vướng giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, năng lực nhà thầu; các tồn tại như: chuẩn bị dự án chưa tốt, bố trí vốn chưa đầy đủ, giao chi tiết kế hoạch vốn điều chuyển vốn không kịp thời… Do đó, phải rà soát lại nguyên nhân hạn chế, làm rõ vai trò của chủ đầu tư, chủ dự án, trách nhiệm của địa phương. Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải xem giải ngân vốn ODA là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2020; phân công lãnh đạo các cấp theo dõi tiến độ từng dự án, trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn. Các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý, trình Thủ tướng xem xét phê duyệt, điều chuyển nội bộ nguồn vốn ODA đối với các dự án cấp bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng trả lại vốn, hủy dự toán. Nghiên cứu sửa đổi các văn bản liên quan để đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư, quy trình kiểm soát chi, hồ sơ thanh toán vốn, thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ và chuẩn bị xây dựng kế hoạch vốn ODA trung hạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)