Từ tơ lụa…
Tân Châu (An Giang) từ lâu đã nổi tiếng là một thương cảng sầm uất, thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, có làng nghề tơ lụa với tuổi đời trên 100 năm. Sản phẩm của làng nghề đã được tiêu thụ khắp năm châu, bốn biển từ những năm đầu thế kỷ XX. Mặt hàng tiêu biểu của làng nghề là Lãnh Mỹ A. Đây là loại lụa trơn láng, đen huyền trông rất quý phái. Điều đặc biệt và cũng là nét đặc trưng cho sản phẩm này chính là khả năng không co giãn và không hút ẩm nên mặc vào mùa hè rất thoáng mát, mặc vào mùa đông ấm áp lạ thường, mặc càng lâu càng đen bóng, quý phái. Chính yếu tố này mà các nhà thiết kế đã đưa sản phẩm Lãnh Mỹ A lên các sàn diễn thời trang tại Pháp, Ý và nhiều quốc gia khác, gây mê hoặc người xem qua các bộ trang phục khác nhau, từ đó Lãnh Mỹ A trở nên nổi tiếng...
“Khi chưa có dịch bệnh COVID-19, sản phẩm làng nghề được đưa đi tiêu thụ khắp các quốc gia như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia, Philippines và Pháp thông qua con đường xuất khẩu và quà tặng du lịch (DL). Kể từ khi dịch bệnh xảy ra (tháng 4-2020 đến nay), khách DL không còn đến tham quan cơ sở như trước, sản phẩm của làng nghề tơ lụa phải nhanh chóng quay trở về thị trường nội địa tìm khách hàng tiêu thụ sản phẩm và duy trì sản xuất để nuôi công nhân” - bà Lê Thị Kiều Hạnh, Chủ cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc (TX. Tân Châu) chia sẻ.
Các khung dệt của làng tơ lụa Tân Châu chuyển sang dệt mặt hàng gấm để tiêu thụ trong nước
Cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc có 63 khung dệt. Hai sản phẩm chính của cơ sở là gấm và Lãnh Mỹ A. Bình quân 1 khung dệt trong 8 giờ, dệt được 20m gấm hoặc Lãnh Mỹ A. Mỗi công nhân dệt có thể đứng từ 5 - 6 máy dệt trong 1 ca sản xuất. Những năm gần đây, bình quân 1m Lãnh Mỹ A có giá từ 400.000 - 500.000 đồng. Tuy giá cao nhưng sản phẩm làm ra không đủ bán cho khách thập phương.
Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nguồn khách quốc tế đến cơ sở không còn, bà Hạnh đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất các mặt hàng gấm bán cho thị trường nội địa, duy trì sản xuất, nuôi công nhân, chờ hết dịch bệnh để phục hồi trở lại. Đây là sự thích nghi của các cơ sở thuộc những làng nghề trong tỉnh. “Nếu so với Lãnh Mỹ A thì giá 1m vải gấm thấp hơn rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Mục đích để duy trì sản xuất, nuôi công nhân chờ hết dịch bệnh để phát triển trở lại” - bà Hạnh chia sẻ thêm.
Các khung dệt của làng tơ lụa Tân Châu chuyển sang dệt mặt hàng gấm để tiêu thụ trong nước
... Đến chiếu UZU
Ở TX. Tân Châu, đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ngoài tơ lụa còn có chiếu Uzu. Những năm phát triển thịnh vượng, sản phẩm chiếu Uzu của các cơ sở nơi đây được tiêu thụ trong và ngoài nước.
Ông Lê Văn Thoa (Chủ cơ sở dệt chiếu Uzu phường Long Châu, TX. Tân Châu) cho biết, khi chưa có dịch bệnh COVID-19, sản phẩm của cơ sở ngoài tiêu thụ sang Campuchia và các quốc gia khác, cơ sở còn bán sản phẩm thông qua con đường DL. Bình quân mỗi tháng, cơ sở tiếp từ 5 - 7 đoàn khách DL từ các quốc gia (bằng con đường tour DL) đến cơ sở tham quan mua hàng, từ đó sản phẩm được tiêu thụ mạnh qua 2 kênh: khách DL và phân phối của đại lý. Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nguồn tiêu thụ từ khách nước ngoài không còn, để duy trì sản xuất, cơ sở phải chuyển sang tìm thị trường trong nước bán sản phẩm. Hiện số lượng sản phẩm bán ra đã giảm phân nửa so với trước.
Cơ sở sản xuất chiếu Uzu của ông Thoa được thành lập năm 1997, ban đầu với số vốn 50 triệu đồng, ông đã sử dụng số vốn đó mua khung dệt cùng nguyên liệu, dệt nên nhiều sản phẩm. Chất liệu dệt nên chiếu đến từ cây lát và cây uzu. Bình quân 1 khung dệt, mỗi ngày dệt được 6 chiếc chiếu và với 10 khung dệt, cơ sở mỗi ngày sản xuất được 60 chiếc chiếu. Chiếu nơi đây có nhiều loại, chiếu xếp và không xếp.
Cụ thể, với chiếu có khổ 1,6m (chiếu xếp), giá mỗi chiếc 110.000 đồng và cũng với kích thước đó, chiếu không xếp có giá chỉ 90.000 đồng. Hơn 23 năm hình thành và phát triển, cơ sở dệt chiếu Uzu của ông Thoa đã góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, làm phong phú thêm sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề trong tỉnh.
Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, việc làm của lao động tại cơ sở cũng bấp bênh, bởi số ngày công làm đã giảm hơn một nửa. “Tìm và mở rộng thị trường nội địa để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm là việc mà chúng tôi phải làm quyết liệt trong lúc này. Đây là con đường chờ cơ hội phục hồi sản xuất sau dịch bệnh” - ông Thoa chia sẻ thêm.
Vai trò của thị trường nội địa là không thể phủ nhận bởi với dân số hơn 97 triệu người, thị trường trong nước là thị trường lớn, góp phần tiêu thụ sản phẩm của DN. vấn đề ở đây là nhà nước cần tạo điều kiện cho DN, cơ sở thông qua cơ chế, chính sách để các sản phẩm của DN, hộ kinh doanh, cơ sở vào các hệ thống bán hàng hiện đại (siêu thị) hưởng được mức chiết khấu thấp nhất (dưới 10%), chứ hiện nay, phần lớn các sản phẩm từ khi đưa vào siêu thị phải chịu mức chiết khấu rất cao, thủ tục rất rườm rà…
Bài, ảnh: MINH HIỂN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)