Hình thành chuỗi đô thị động lực vùng ĐBSCL

Chủ nhật, 29 Tháng 11 2020 15:58 (GMT+7)
Một trong các điểm nhấn chính của dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham vấn, lấy ý kiến là xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gắn kết với các trung tâm đầu mối; ưu tiên phát triển và mở rộng khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực của vùng… Đây cũng là định hướng được các địa phương trong vùng quan tâm nhằm gắn kết việc xây dựng các hành lang kinh tế với việc hình thành các chuỗi đô thị động lực của vùng.
Tăng tính liên kết
Với vị thế trung tâm vùng, TP Cần Thơ đang thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Trong ảnh: Một góc khu đô thị Nam Cần Thơ nhìn từ trên cao.
Với vị thế trung tâm vùng, TP Cần Thơ đang thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Trong ảnh: Một góc khu đô thị Nam Cần Thơ nhìn từ trên cao.
 
Theo đánh giá các chuyên gia của Liên doanh Royal Haskoning DHV và GIZ, đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL, thời gian qua, hệ thống đô thị ở ĐBSCL bước đầu phát triển theo đặc điểm từng tiểu vùng. Hình thành các vùng chuỗi đô thị liên kết phát triển và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, tỷ lệ và tốc độ đô thị hóa trên toàn vùng ĐBSCL còn rất thấp, chủ yếu tập trung ở dọc tuyến giao thông từ Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị chưa thực sự đóng vai trò động lực tăng trưởng, tính liên kết yếu và thiếu tính hệ thống dẫn đến tình trạng suy giảm dân số, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng diện tích đất đô thị. Các chuyên gia tư vấn xác định, phân bố dân cư phân tán trên toàn vùng ĐBSCL, chủ yếu tại khu vực đất phù sa, các giồng cao dọc theo các tuyến sông, tuyến đường thủy nội địa, quốc lộ. Điều này có mối quan hệ chặt chẽ với đặc điểm sản xuất công nghiệp chế biến gắn liền với các khu vực sản xuất nông nghiệp, cũng như gắn liền với mạng lưới phân tán của các đô thị vừa và nhỏ trong vùng.
 
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế, từng đô thị nhỏ có rất ít cơ hội, mà phải là những vùng đại đô thị có quy mô dân số hàng chục triệu dân. Xét ở góc độ phát triển đô thị, toàn bộ vùng ĐBSCL cũng không đủ lực để tạo thành một vùng như vậy; do đó, cần nhìn nhận đúng thực tế về việc không thể tách rời vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Theo đó, quan điểm mới về định hướng phát triển đô thị của vùng ĐBSCL đó là phát triển chuỗi đô thị hiện hữu dọc theo sông Tiền, sông Hậu thành vùng đô thị hóa - công nghiệp hóa tập trung. Trong đó TP Cần Thơ vẫn giữ vị trí và vai trò là trung tâm vùng. Vùng đô thị này liên kết phát triển chặt chẽ TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ ở phía Đông và kết nối quốc tế với Campuchia về phía Tây.
 
Theo dự thảo Quy hoạch, dựa trên bản đồ phân bố mật độ dân cư, khu vực dân cư có mật độ cao tương đương với đô thị phân bố tập trung dọc theo sông Hậu từ Châu Đốc tới Cần Thơ, dọc theo sông Tiền từ cửa khẩu An Giang tới Bến Tre rồi rẽ ngang về phía TP Hồ Chí Minh. Có thể hình dung một vùng “hình trăng lưỡi liềm” như trên bản đồ là một vành đai đô thị vùng ĐBSCL. Trong vành đai này là nơi tập trung hiện hữu sức người, sức của và cũng là những vùng đất tương đối thuận lợi cho phát triển và định cư từ lâu đời. Vì thế, việc đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, hạ tầng lớn như cao tốc cần ưu tiên đầu tư trong vành đai này mới đạt được hiệu quả. Nếu dàn trải ra những vùng mật độ thấp một cách khiên cưỡng thì hiệu quả mang lại không cao.
 
Định hình không gian phát triển
 
Quá trình phát triển đô thị ở vùng ĐBSCL được đặt trong mối tương quan, liên kết với TP Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, các tỉnh giáp với TP Hồ Chí Minh như Long An, Tiền Giang là vùng giãn nở công nghiệp, giãn nở đô thị, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh. Do đó, nên xem xét đưa vào phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị ở các địa phương tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh. Xung quanh các vùng đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh cần không gian phát triển rất lớn nên chăng mạnh dạn cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất đô thị để nâng cao hiệu quả kinh tế.
 
Việc phát triển Cần Thơ làm thủ phủ vùng là một trong những chiến lược quan trọng nhất về vùng ĐBSCL và được hỗ trợ bằng rất nhiều chính sách cụ thể, từ hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không tới các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, nghiên cứu, chính trị, kinh tế. Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, trong mô hình, định hướng phát triển đô thị ở ĐBSCL, cần trả lời câu hỏi phát triển độc lập hay tương tác với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Có thể thấy rằng các tỉnh Long An, Tiền Giang có sự gắn kết với TP Hồ Chí Minh trong phát triển không gian đô thị. Trong khi các tỉnh phía Nam sông Hậu có sự độc lập rất rõ ràng. Đơn cử như hàng hóa xuất khẩu ở các tỉnh, thành này đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước chứ không chỉ cung cấp cho TP Hồ Chí Minh hay Đông Nam Bộ. Về lâu dài, nếu tập trung hàng hóa xuất khẩu, hệ thống cảng biển, cảng hàng không về miền Đông, chắc chắn sẽ đến lúc quá tải. Do đó, cần có đô thị trung tâm phục vụ cho sự phát triển của vùng ĐBSCL thay vì phát triển phân tán.
 
Ông Trần Ngọc Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: Trong báo cáo Quy hoạch vùng ĐBSCL, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần làm rõ nét hơn về vị thế trung tâm của TP Cần Thơ; không chỉ là trung tâm về mặt hình thái mà về mặt ý nghĩa còn là trung tâm về khoa học kỹ thuật, về y tế, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học… Do đó, cần làm rõ hơn vị thế vai trò của TP Cần Thơ, kết nối với các địa phương trong vùng như thế nào. Tất cả các nhà khoa học đều quan tâm đến vấn đề công nghệ mới, đô thị xanh, thông minh… Đây là một trong những điểm mạnh của vùng ĐBSCL và TP Cần Thơ là đại diện, là trung tâm vùng. Chúng tôi muốn rằng Quy hoạch vùng ĐBSCL phải đề cập mạnh hơn nữa về vai trò của TP Cần Thơ. Hệ thống đô thị của ĐBSCL được xác định sẽ kết nối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến phát triển hệ thống đô thị ven biển như Cà Mau, Phú Quốc… gắn với vấn đề phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng...
 
Bài, ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế