Định vị lại cấu trúc phát triển cho ĐBSCL

Chủ nhật, 06 Tháng 12 2020 16:00 (GMT+7)
Xuất phát điểm thấp, trong suốt hai thập kỷ qua, tăng trưởng ĐBSCL chủ yếu dựa vào tăng sản lượng. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hữu hạn, trong khi nhu cầu tổng thể cho phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của vùng ĐBSCL rất lớn. Các chuyên gia cho rằng, việc xác định nhu cầu đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tới cần dựa trên quy hoạch vùng và phải tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc” để đảm bảo phát triển bền vững ĐBSCL.
ĐBSCL đang cần hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển (trong ảnh: Tàu trên 10.000 tấn đầy tải khó vào Cảng Cái Cui, do luồng Định An cạn).
ĐBSCL đang cần hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển (trong ảnh: Tàu trên 10.000 tấn đầy tải khó vào Cảng Cái Cui, do luồng Định An cạn).
 
Đổi mới tư duy phát triển
 
Năm 2019, ĐBSCL có tổng GDP khoảng 887.340 tỉ đồng. ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là vùng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đóng góp trên 12% cho GDP cả nước. Riêng nông nghiệp chiếm 34,6% GDP toàn ngành Nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.
 
Mặc dù có tăng trưởng ấn tượng, nhưng các chuyên gia cho rằng, ngành Nông nghiệp không thể nắm bắt các cơ hội lớn trong tương lai ở thị trường trong nước, khu vực và quốc tế do không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Ngành Nông nghiệp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh trong nước ngày càng tăng về lao động, đất đai và sử dụng nước với các đô thị, các ngành công nghiệp, dịch vụ.
 
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết: “Nhiều quốc gia phát triển đi lên từ nông nghiệp, Việt Nam cũng vậy. Nhưng khi chúng ta làm ra nhiều tiền hơn thì bắt đầu yêu cầu cao hơn, tiêu dùng sản phẩm tốt hơn. Hiện nay, nông nghiệp vẫn là trụ cột phát triển của ĐBSCL, do công nghiệp còn rất yếu, dịch vụ nở rộ nhưng hiệu quả lan tỏa không cao. Cần xác định lại các tiểu vùng của ĐBSCL, đối với vùng không bị mặn, hạn - tiếp giáp Campuchia có thể quy hoạch là vùng trồng lúa chính, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Còn vùng giữa hiện đang làm 3 vụ lúa/năm, tiêu tốn rất nhiều nước ngọt, nếu cứ giữ 3 vụ lúa thì rất có hại cho các vùng khác của ĐBSCL, nên giảm bớt, lên liếp trồng rau màu, cây ăn trái”. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, thời điểm này, sản xuất nông nghiệp phải đạt tiêu chuẩn của quốc tế, gắn kết các vùng để có sản phẩm quanh năm cung cấp cho thị trường xuất khẩu, vì Việt Nam đang có nhiều cơ hội trong thị trường tự do với các hiệp định thương mại song phương, đa phương.
 
Ngoài ra, suốt thời gian dài, ĐBSCL phát triển phân tán, chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Trước bối cảnh, cơ hội và thách thức mới đang đến, ĐBSCL cần phải thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển theo nguyên tắc “không hối tiếc” là quy hoạch phù hợp trong điều kiện tác động khó lường của BĐKH. An Giang đang là địa phương chịu tác động nặng nề của BĐKH, tỉnh có nhiều khu vực bị sạt lở bờ sông, sụt lún. Dựa vào quy hoạch tích hợp này, tỉnh sẽ quy hoạch lại khu vực cần nạo vét luồng, cần kè chống sạt lở theo nguyên tắc thuận thiên. Ngoài ra, an ninh nguồn nước là vấn đề cực kỳ quan trọng trong tương lai. An Giang đề xuất Trung ương đầu tư các hồ đập chứa nước ngọt để cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho địa phương và các tỉnh lân cận. An Giang và Đồng Tháp có thể đảm nhận vai trò túi chứa nước ngọt cho Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười”.
 
Tăng nguồn lực cho ĐBSCL
 
Các chuyên gia cho rằng, ngoài thay đổi tư duy phát triển cũng cần đánh giá đầy đủ tiềm năng, lợi thế của từng vùng ĐBSCL để huy động các nguồn lực đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-9-2019 của về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 130/NQ-CP ngày 5-9-2019 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất bổ sung 2 tỉ USD tăng thêm cho giai đoạn 2021-2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương xây dựng Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, quy mô 1,05 tỉ USD (Khoản hỗ trợ DPO). Thêm vào đó, ngày 18-11-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1832/QĐ-TTg ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng ĐBSCL. Đây là cơ sở quan trọng để hoàn thiện các tài liệu liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt và tiếp nhận Khoản hỗ trợ DPO.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư các dự án liên kết vùng (mỗi địa phương 1 dự án) là 26.731 tỉ đồng, đề xuất bố trí trong giai đoạn 2021-2025 là 19.916 tỉ đồng; trong đó dự kiến ngân sách Trung ương hỗ trợ 16.250 tỉ đồng từ nguồn cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới. Ngoài ra, tổng mức đầu tư các dự án DPO là 40.875 tỉ đồng, đề xuất Trung ương bố trí từ nguồn vốn DPO là 31.330,4 tỉ đồng… Các địa phương ĐBSCL kiến nghị sử dụng nguồn vốn DPO đa phần cho đầu tư tuyến đường ven biển để bố trí lại dân cư, giảm tác động của BĐKH và tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực này.
 
Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đề xuất: “Về khoản 1,05 tỉ USD vay vốn của World Bank đầu tư các dự án liên kết vùng, nhưng ĐBSCL đang rất cần những tuyến đường ven biển để kết nối vùng. Vì vậy, tỉnh đề xuất Trung ương cân nhắc vay thêm, bởi đầu tư hạ tầng giao thông của vùng suất đầu tư lớn”. Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cũng cho rằng: “ĐBSCL trước giờ giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, khi đã phát triển nông nghiệp, cụ thể là cây lúa thì sự phát triển sẽ chậm hơn các địa phương khác, nên Trung ương cần có cơ chế, ngân sách, tài chính làm sao để bù đắp lại cho sự hy sinh của ĐBSCL. Giao thông là điểm nghẽn của vùng, tính kết nối liên vùng và cả nội vùng cũng đang gặp khó khăn, do nhiều lý do, trong đó có vấn đề suất đầu tư cho giao thông cao so với các vùng khác. Nhưng phải giải quyết bài toán hạ tầng kết nối giao thông để thúc đẩy vùng phát triển”.  
 
Ths Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, cho biết: Quy hoạch ĐBSCL tạm chia làm 3 vùng: mặn, ngọt, lợ là để thuận thiên theo Nghị quyết 120. Việc chia này không ảnh hưởng đến liên kết vùng ĐBSCL. Tới đây, ĐBSCL đang có cơ hội vàng từ bộ ba chính sách, là: Nghị quyết 120, Luật Quy hoạch 2017, Quyết định 593 về liên kết vùng. Cần phải thực hiện đồng bộ theo bộ ba chính sách này và liên kết vùng cần được hiểu rộng hơn, đó là liên kết về môi trường, kinh tế, xã hội để tránh trùng lắp, tránh cạnh tranh lẫn nhau.
 
Bài, ảnh: GIA BẢO - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế