Sức bật cho Cần Thơ

Chủ nhật, 13 Tháng 12 2020 15:59 (GMT+7)
Với định hướng là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, trong 5 năm qua, TP Cần Thơ đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố cũng xác định tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị để trở thành đầu kéo cho cả vùng ĐBSCL phát triển.
Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Đô thị thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: A.KHOA
Đô thị thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: A.KHOA
 
Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố thực hiện gần 250.928 tỉ đồng, chỉ đạt 89,62% kế hoạch và tăng bình quân 6,45%/năm; tăng gấp 1,39 lần so với giai đoạn 2011-2015. Từ nguồn vốn này, nhiều công trình, dự án hạ tầng lớn được đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, từ nguồn vốn ODA, nhiều công trình giao thông, đô thị, các lĩnh vực xã hội được đầu tư, như: Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ, Dự án Nâng cấp đô thị ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ; Dự án WB5, dự án Bệnh viện Ung bướu…
 
Thành phố đã tổ chức lập các đồ án quy hoạch phân khu cho 5 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt; đồng thời rà soát, điều chỉnh đồ án quy hoạch chung cho 5 thị trấn: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thạnh An; phê duyệt 7 đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các dự án khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị mới được đầu tư xây dựng mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật (đất giao thông, bãi đổ xe, cấp thoát nước, điện, thông tin liên lạc) và hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, đất công viên cây xanh)… đã tạo điểm nhấn cho đô thị Cần Thơ. Thành phố hiện có 99 dự án khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị, quy mô diện tích hơn 2.603,8ha. UBND thành phố đã ban hành Công văn số 2597/UBND-KT ngày 31-8-2020 về đẩy mạnh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất làm dự án để khắc phục tình trạng chậm trễ tiến bộ, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư… trong đốc thúc dự án.
 
Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, cho rằng: Nhiều dự án khu dân cư, khu tái định cư có tiến độ hoàn thành từ 80-90%. Một số dự án triển khai cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc và quản lý môi trường khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn mặt chưa được, một số dự án chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp với địa phương trong giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng xã hội (đất công viên cây xanh). Trong quá trình rà soát dự án, Sở đã yêu cầu các chủ đầu tư quan tâm hoàn thiện phần diện tích đất công viên cây xanh để sớm nghiệm thu, bàn giao cho địa phương quản lý. Mỗi dự án có những khó khăn khác nhau, nên cần đánh giá cụ thể từng dự án để gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Tới đây, quan điểm của Sở là phần nào thực hiện rồi thì sẽ làm thủ tục nghiệm thu, bàn giao từng phần để địa phương có cơ sở quản lý.
 
Tại kỳ họp thứ 19, HĐND khóa IX vừa qua, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Hiểu cũng lưu ý: Có dự án chưa hoàn thành, chưa bàn giao về cho địa phương, trách nhiệm cá nhân chưa bàn tới, mà chúng ta cần tập trung để bàn giao cho địa phương quản lý để tránh những hư hao. Phải siết đầu vào, khi giao dự án cho nhà đầu tư phải quy định thời gian, thời hạn, các yếu tố pháp lý để đảm bảo tính hợp pháp cho người dân, bởi nhiều dự án khi mua rồi vẫn không làm giấy tờ được. Phải lập lại trật tự xây dựng, giao dự án, quy trách nhiệm của các sở, ngành, chủ đầu tư.
 
Tạo kết nối lan tỏa
 
Trong 5 năm qua, việc huy động các nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ yêu cầu phát triển là một trong 3 khâu đột phá được TP Cần Thơ xác định trong Nghị quyết nhiệm kỳ. Theo đó, riêng về công trình giao thông, thành phố đã triển khai đầu tư và hoàn thành nhiều dự án quan trọng như: Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn Mỹ Khánh - Phong Điền), mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui và cầu Quang Trung 2, đường vành đai sân bay Cần Thơ… Hoàn thành kết nối giao thông trên địa bàn quận, huyện với các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh và trục đô thị… góp phần thu hút đầu tư và chỉnh trang đô thị. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố có 17 công trình, dự án trọng điểm đầu tư mới, trong đó có 8 dự án giao thông và được kỳ vọng tạo kết nối liên hoàn hệ thống giao thông không chỉ cho Cần Thơ mà còn kết nối vùng ĐBSCL, tạo động lực phát triển mới.
 
Tại kỳ họp thứ 19, HĐND thành phố vừa qua, nhiều đại biểu, cử tri kiến nghị: Thành phố cần mạnh dạn hủy bỏ, rà soát lại những dự án kéo dài không khả thi, vì ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, gây bức xúc dư luận. Giải quyết ô nhiễm môi trường, trả lại mỹ quan đô thị. “Từ nay đến 2025 có nhiều dự án giao thông được triển khai, tạo điều kiện cho phát triển, thành phố cần phải đẩy nhanh để tạo thêm niềm tin cho người dân về sự quyết tâm của địa phương”- đại biểu Huỳnh Thanh Phương nói.
 
Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 56.943 tỉ đồng; trong đó cấp thành phố quản lý 36.969 tỉ đồng, cấp quận, huyện 19.974 tỉ đồng. Dự kiến tổng vốn đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn là 39.019 tỉ đồng, tăng 12.643 tỉ đồng (tương đương tăng 47,93% so với giai đoạn trước) nhưng chỉ đáp ứng 68,52% tổng nhu cầu vốn giai đoạn tới. Nguồn vốn này dự kiến bố trí cho giao thông khoảng 9.470 tỉ đồng; bố trí cho công trình công cộng tại các đô thị, hạ tầng kỹ thuật tại khu đô thị mới 7.631 tỉ đồng… Còn 17.924 tỉ đồng chưa cân đối được của các dự án cấp thành phố và quận, huyện thì thành phố chủ trương trong quá trình thực hiện sẽ rà soát, bổ sung từ các nguồn huy động thêm ngoài vốn ngân sách địa phương như: khai thác quỹ đất, huy động vốn theo Nghị định 103/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ; tranh thủ cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… để tạo sức bật mạnh mẽ cho thành phố.
 
GIA BẢO - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế