Đại gia F&B "xuống đường"

Thứ ba, 15 Tháng 12 2020 08:33 (GMT+7)
Dù không được khuyến khích nhưng mô hình dịch vụ ăn uống lưu động, không đầu tư mặt bằng vẫn phát triển với sự gia nhập của nhiều "đại gia"
 
Highlands Coffee được biết đến là một đại gia trong ngành dịch vụ ăn uống (F&B) với các cửa hàng "phủ sóng" những vị trí đắc địa, ngã ba, ngã tư các con phố lớn tại TP HCM. Vài tháng gần đây, người tiêu dùng TP HCM bắt gặp nhiều quầy Highlands Coffee mini đặt ở một số tuyến đường có vỉa hè rộng hoặc gần cao ốc văn phòng với thực đơn gồm các loại thức uống từ trà, cà phê với giá bán rẻ hơn trong cửa hàng khoảng 10.000 đồng/ly.
 
Xu hướng mới
 
Theo báo cáo mới công bố của JLL Việt Nam về bất động sản trong ngành F&B, nhiều chuỗi ẩm thực lớn của Việt Nam đang tìm đến mô hình ki-ốt và xe lưu động ẩm thực đường phố như một cách để thử nghiệm bán các món take away (mang đi) mà không phải lo nhiều về chi phí thuê nhân viên và mặt bằng. Các ví dụ được JLL Việt Nam dẫn chứng là một chuỗi cà phê nổi tiếng và một thương hiệu chuyên về gà rán và pizza đã mở rộng dịch vụ sang mô hình container đặt dưới các khu dân cư. "Đây là phương án ngắn hạn để các đơn vị F&B thử nghiệm ở những thị trường mới cũng như tăng nhận diện thương hiệu và chạm đến nguồn khách hàng tiềm năng thích khám phá những trải nghiệm mới mẻ" - báo cáo của JLL Việt Nam nhận định.
 
Trong khi đó, chuỗi cà phê Ông Bầu ra mắt ngay thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện hồi đầu năm 2020, từ ban đầu đã tính đến mô hình bán cà phê trên xe đẩy. Đến nay, toàn hệ thống có 39 xe đẩy cà phê mang thương hiệu Ông Bầu, chủ yếu tập trung ở TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ… với cam kết đồng nhất về chất lượng và giá cả như cà phê tại quán. Thậm chí, có xe đẩy cà phê Ông Bầu đặt ngay trước quán cà phê cùng thương hiệu như tại quán trên đường Lê Văn Duyệt (đoạn gần Cầu Bông, quận Bình Thạnh, TP HCM) chuyên phục vụ khách mang đi.
 
Đại gia F&B xuống đường - Ảnh 1.
Cà phê xe đẩy được chuỗi Ông Bầu cam kết đồng nhất chất lượng, giá cả với cà phê tại quán. Ảnh: NGỌC ÁNH
 
Mô hình kinh doanh hiệu quả
 
Đại diện thương hiệu cà phê Ông Bầu cho biết mô hình này mang lại sự tiện lợi, nhanh gọn cho khách; chủ yếu phục vụ giới trẻ (nhân viên văn phòng, lao động phổ thông, sinh viên…), những người không có nhiều thời gian thưởng thức cà phê tại quán mà có xu hướng mua mang đến nơi làm việc, học tập. "Xe cà phê take away là phương tiện và hình thức kinh doanh hiệu quả, chi phí đầu tư thấp, hoạt động linh hoạt, tiếp cận và phục vụ khách hàng một cách tốt và nhanh chóng nhất" - đại diện cà phê Ông Bầu đánh giá.
 
Nằm trong khuôn khổ dự án Women Can Do vừa triển khai, TNI King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang triển khai mô hình nhượng quyền quán cà phê nhỏ (WeHome Café) và thu hút phụ nữ tham gia. Với mô hình này, thành viên của dự án Women Can Do có thể đăng ký nhượng quyền xe cà phê với số vốn đầu tư chỉ từ 33,5 triệu đồng. Họ sẽ được sở hữu một quán WeHome Café cùng với toàn bộ các gói hỗ trợ bán hàng dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ một cách bài bản từ pha chế đến xử lý dữ liệu qua hệ thống máy POS bởi đội ngũ nhân sự đến từ TNI King Coffee.
 
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết mô hình triển khai nhằm giúp các bà, các cô có thể làm chủ quán cà phê với số vốn nhỏ và nếu kinh doanh thuận lợi, chỉ sau 2 tháng rưỡi thì có thể hoàn vốn. Chỉ sau 4 tháng triển khai thí điểm thành công trên 7 tỉnh, thành thông qua 17 buổi hội thảo được thực hiện liên tục, đến nay, mô hình WeHome Café đã hiện diện trên nhiều tuyến phố tại TP HCM, Hà Nội.
 
Xe đẩy là một mô hình kinh doanh thức ăn đường phố lâu nay gắn với mối lo ngại về thiếu an toàn thực phẩm cũng như trật tự giao thông, vậy các "ông lớn" giải quyết bài toán này như thế nào? Đại diện chuỗi cà phê Ông Bầu cho hay quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm tại các xe đẩy cũng phải bảo đảm như tại các cửa hàng và được giám sát bởi bộ phận kiểm định chất lượng của thương hiệu. Các vị trí Ông Bầu chọn đặt xe đẩy là những mặt bằng lớn, có vỉa hè rộng để bảo đảm an toàn cho khách mua hàng và không gây cản trở giao thông.
 
Theo bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam, các xe thực phẩm lưu động ngày nay cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao hơn giúp đánh tan định kiến đồ ăn lề đường kém an toàn thực phẩm. "Dần dần, chúng đã trở thành một cảnh tượng quen thuộc trên các con phố, trong trung tâm mua sắm và tại các lễ hội, thu hút một thế hệ người tiêu dùng yêu thực phẩm mới và thành công của mô hình này đang thúc đẩy những thương hiệu khác làm theo để kéo thêm khách hàng mới" - bà Trang Bùi nhìn nhận.
 
Số cơ sở thức ăn đường phố tăng
 
Số liệu từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM cho thấy tính đến 9 tháng đầu năm 2020, toàn TP HCM có 20.013 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với 24.596 người tham gia kinh doanh, tăng 2.565 cơ sở và tăng 5.902 người tham gia kinh doanh so với cuối năm 2017. Trong 9 tháng đầu năm, đã có 15.193 (chiếm 76%) cơ sở được kiểm tra, số cơ sở vi phạm là 6.245 (chiếm 41,1%) nhưng phần lớn là bị nhắc nhở, cảnh cáo, chỉ có 47 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền hơn 44 triệu đồng.
 
NGỌC ÁNH - SƠN NHUNG - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế