Gần đây, giá tôm biển tăng cao nên nông dân ở các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre ồ ạt đào ao thả tôm trong vùng ngọt hóa. Mô hình này không những phá vỡ quy hoạch vùng đất lúa mà còn làm lây lan nguồn nước mặn trên nội đồng.
Báo động nhất là tại huyện Ba Tri có hơn 100 trường hợp tái diễn đào ao, thả nuôi tôm thẻ ngoài vùng quy hoạch. Trong đó, không ít hộ dân đào ao trên nền đất lúa trong vùng ngọt hóa, khoan giếng hay bơm nước mặn vào để nuôi tôm biển, tập trung nhiều ở các xã An Hiệp, An Đức, An Bình Tây…
Ao tôm biển ngoài quy hoạch tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Điều đáng nói là từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử phạt do nuôi tôm ngoài quy hoạch, mà chỉ bị xử phạt hành chính một số trường hợp vi phạm sử dụng đất sai mục đích. Tính trong năm 2020, toàn huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chỉ có 2 trường hợp bị xử phạt do sử dụng đất sai mục đích với số tiền là 15 triệu đồng.
Ông Đặng Ngọc Công Danh, Chủ tịch UBND xã An Đức, huyện Ba Tri cho biết, trên địa bàn xã có 64 ao tôm ngoài quy hoạch với diện tích 12 ha đất. Mô hình này lợi ích nhỏ nhưng gây thiệt hại lâu dài cho sản xuất, nhất là công tác phòng chống hạn mặn.
“Trong các hộ nuôi tôm sai quy hoạch thường mới nuôi cơ bản trúng mùa, nhưng có hộ nuôi mấy năm không trúng, thất bại nên ao nuôi bỏ không, không cải tạo, không nuôi gì và cũng không có đất để san lấp bằng phẳng trả lại hiện trạng ban đầu. Địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động hộ dân nên ngưng việc nuôi tôm ngoài quy hoạch, bởi việc làm này sẽ ảnh hưởng đến toàn địa bàn xã bị nhiễm mặn, ảnh hưởng hệ thống mương dẫn nước cũng như công tác phòng chống mặn”, ông Danh cho biết./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
T/h: Nhi - (dongbang.vn)