Từ lâu, xã An Phú được biết đến với nghề nấu đường thốt nốt, tạo được dấu ấn đối với du khách gần xa. Những thương hiệu đường thốt nốt “xuất thân” từ vùng đất này đã tạo dựng được chỗ đứng trong lòng thực khách, nổi bật là thương hiệu đường thốt nốt Lan Nhi. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc nấu đường thì vẫn chưa đủ, bởi cây thốt nốt có thể cho ra nhiều sản phẩm khác nhau.
Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Thanh Tuyền cho hay: “Do đường thốt nốt là sản phẩm truyền thống khá nổi tiếng của vùng Bảy Núi, nên thực khách cứ “mặc định” đó là đặc sản duy nhất. Thực tế, những người gắn bó với cây thốt nốt đã tạo ra nhiều sản phẩm từ loài cây này, như: nước màu thốt nốt, thạch thốt nốt. Hiện nay, đã có người tạo ra các loại rượu từ thốt nốt. Điều này cho thấy khả năng khai thác đa dạng các sản phẩm từ cây thốt nốt, chứ không chỉ có đường chảy hay đường tán như trước đây”.
Đường thốt nốt là đặc sản nổi tiếng của vùng Bảy Núi
Cũng theo ông Tuyền, địa phương đã thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ cây thốt nốt xã An Phú, với 33 thành viên tham gia là chủ cơ sở thu mua, người chuyên khai thác nước thốt nốt và cán bộ địa phương. Mục tiêu của HTX là nâng cao chất lượng sản xuất đường thốt nốt theo hướng có tổ chức và đảm bảo được đầu ra cho người dân. Bên cạnh đó, còn hướng tới khai thác tối đa lợi ích từ thốt nốt để người dân có điều kiện nâng cao nguồn thu nhập.
Theo đó, các thành viên HTX ngoài việc nấu đường, nước màu từ nước thốt nốt còn “mở rộng” sang lĩnh vực chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây thốt nốt. Đây là hướng đi mới, giúp các hộ dân gắn bó với nghề truyền thống này có thêm nguồn thu, thay vì phải phụ thuộc vào “mùa nấu đường” chỉ kéo dài 6 tháng trong năm. Hiện nay, các thành viên trong HTX đã chế tác được các sản phẩm như: lục bình, đũa, cối đâm tiêu, bình trà, chén, tô… từ thân cây thốt nốt. Khi các sản phẩm này đưa ra thị trường đã nhận được sự phản hồi tích cực vì màu sắc đẹp, các sản phẩm được chế tác tỉ mỉ và có thể làm quà tặng rất ý nghĩa.
Các sản phẩm mỹ nghệ từ cây thốt nốt của xã An Phú
“HTX chỉ khai thác đối với những cây quá tuổi, sản lượng nước ít không có giá trị kinh tế hay những cây quá cao, khó leo lên lấy nước để làm đồ mỹ nghệ, chứ không hạ cây tràn lan theo kiểu “bán tháo” gây ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu thốt nốt của địa phương. Mặt khác, chúng tôi cũng tính đến chuyện trồng lại cây con nhằm đảm bảo sản lượng khai thác, vì thời gian để một cây thốt nốt có thể cho nước là hơn 10 năm” - ông Tuyền giải thích.
Là người tiên phong trong việc phát triển các sản phẩm mỹ nghệ từ cây thốt nốt, ông Đoàn Văn Phóng (cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi) khẳng định hướng đi này đang cho kết quả khả quan. “Tôi đã trang bị đầy đủ máy móc phục vụ việc chế tác đồ mỹ nghệ từ cây thốt nốt. Hiện đã có khách hàng từ TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp cận các sản phẩm này. Tôi mong muốn sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm mỹ nghệ từ thốt nốt để mở ra hướng đi mới cho bà con địa phương. Tôi rất phấn khởi vì có thêm nhiều khách hàng yêu thích sản phẩm mỹ nghệ được làm ra từ loài cây đặc sản của quê hương mình”- ông Phóng chia sẻ.
Hướng tới, UBND xã An Phú sẽ phối hợp ngành chuyên môn tạo điều kiện để xây dựng trụ sở sinh hoạt của HTX sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ cây thốt nốt. Ngoài ra, sẽ hình thành điểm trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ từ cây thốt nốt và kết nối với các tour du lịch để giới thiệu đến du khách gần xa. “Địa phương sẽ cố gắng hỗ trợ để HTX hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX. Đặc biệt, việc các sản phẩm mỹ nghệ từ cây thốt nốt được thị trường tiếp nhận là tín hiệu lạc quan để người dân địa phương khai thác tối đa lợi thế từ loài cây đặc sản này trong tương lai” - ông Tuyền kỳ vọng.
THANH TIẾN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)