An Phú tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp và lợi thế biên giới

Thứ bảy, 02 Tháng 1 2021 15:51 (GMT+7)
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội (KTXH) của huyện An Phú (An Giang) tăng trưởng tốt, 20/21 chỉ tiêu đều đạt và vượt (12 chỉ tiêu vượt) so kế hoạch. Năm 2021, huyện An Phú xác định phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định biên giới; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
An Phú là địa phương khu vực biên giới, có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, huyện xác định ưu tiên nguồn lực phát triển cho nông nghiệp và kinh tế biên giới. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có chất lượng, nâng cao năng suất, hiệu quả, cũng như tăng khả năng cạnh tranh chất lượng hàng hóa nông sản.
 
Toàn huyện có 18 nhà màng với diện tích 18.000m2 (tăng 6.000m2 so cùng kỳ 2019, tương đương 6 nhà màng) trồng dưa lưới; 35 nhà lưới giá rẻ với tổng diện tích 7.300m2, chủ yếu ươm giống cây trồng, tạo thu nhập ổn định cho nông dân. Dự án nâng cấp mở rộng hệ thống thủy lợi nội đồng vùng rau màu ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, bước đầu hình thành hợp tác xã để vận hành và bố trí cây trồng phù hợp.
 
Trong 21 chỉ tiêu KTXH năm 2020, có 12 chỉ tiêu vượt, 9 chỉ tiêu đạt. Riêng chỉ tiêu sản lượng lương thực đạt 99,1%, do diện tích giảm. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nguyên nhân do chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, màu chuyển sang trồng cây ăn trái, một phần diện tích cây ăn trái từ 1-2 năm tuổi, người dân tận dụng trồng màu xen canh trong vườn cây ăn trái. Đến nay, cây ăn trái sắp cho thu hoạch, không thể trồng màu dưới tán cây nên diện tích cây màu của huyện giảm so cùng kỳ.
Cầu Long Bình - Chrey Thom kết nối giao thương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện An Phú
 
Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp xác định, kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, là nền tảng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ và kinh tế biên giới. Huyện tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước.
 
Theo đó, năm 2021, huyện An Phú sẽ tiếp tục thực hiện tốt đề án tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức phù hợp, thúc đẩy phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác từng bước hình thành các doanh nghiệp nông thôn hoặc hợp tác xã kiểu mới để liên kết các doanh nghiệp, cùng nhau phát triển theo hướng hàng hóa lớn.
 
Cùng với đó, địa phương tập trung đầu tư nhằm hoàn chỉnh hạ tầng để phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa chất lượng cao, như: hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đồng bộ cơ giới hóa các khâu, ứng dụng công nghệ, giảm tổn thất sau thu hoạch… hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, sức cạnh trạnh của hàng nông sản trên thị trường, nâng cao nguồn thu nhập cho người nông dân.
 
Để thu hút đầu tư và góp phần phát triển KTXH, huyện An Phú sẽ tập trung giải quyết tốt các thủ tục hành chính trong quan hệ đất đai cho hộ gia đình và cá nhân; thực hiện giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các cụm, tuyến dân cư trên địa bàn. Khai thác tốt quỹ đất công, đảm bảo trình tự khai thác và vận hành đúng quy định của pháp luật.
 
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới trong năm 2021, nhất là xã Phước Hưng trong lộ trình từ nay đến 2022 phải hoàn thành theo kế hoạch. Đối với các xã còn lại quan tâm đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí không cần vốn để thực hiện trước.
 
Năm 2021, huyện An Phú sẽ tổ chức nhiều hoạt động quan trọng nhằm kỷ niệm sự kiện 30 năm tái lập huyện, trong đó sẽ thực hiện các công trình trọng điểm, như: cổng chào An Phú; tuyến dân cư Khánh An; chợ Long Bình; cầu An Phú - Vĩnh Lộc; trường nội trú 3 cấp học xã Khánh An. Định hướng triển khai mở rộng đường liên xã Phú Hữu - Vĩnh Lộc - Vĩnh Hậu; xây dựng cầu Lama Vĩnh Trường; quy hoạch khu đô thị, vui chơi, giải trí Bắc Quốc lộ 91C…
 
Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, với lợi thế đường biên giới dài 42,5km, vì vậy việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế biên giới là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, UBND huyện là cơ quan thường trực xây dựng nghị quyết về phát triển KTXH gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện An Phú giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, để huyện An Phú có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn, hướng đến mục phát triển bền vững.
 
Trên cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ, cố gắng đến năm 2025, KTXH huyện An Phú đạt mức trung bình của tỉnh. Đồng thời, duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác với các huyện giáp biên của Campuchia, giữ vững đường biên giới hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh trật tự góp phần thúc đẩy KTXH ngày càng phát triển.
 
HỮU HUYNH - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế