Sản phẩm xoài được trồng ở xã Thới Hưng thuộc huyện Cờ Đỏ.
Nhiều mô hình hiệu quả
Xác định thế mạnh là sản xuất lúa chất lượng cao, huyện đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích nông dân mở rộng cánh đồng lớn (CÐL) và các mô hình liên kết để sản xuất theo quy mô lớn, chất lượng cao gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật tiên tiến và có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Mô hình CÐL trong sản xuất lúa được huyện Cờ Ðỏ triển khai thực hiện từ vụ đông xuân 2011-2012 với diện tích ban đầu chỉ 428ha thì đến các vụ lúa đông xuân và hè thu 2020, CÐL được nhân rộng đạt diện tích hơn 11.000 ha/vụ và có 11 đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Khanh ngụ ấp Thới Bình 1, xã Thới Xuân, cho biết: “Tôi có gần 2 héc-ta đất sản xuất lúa và đã tham gia mô hình CÐL hơn 5 năm nay và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá từ bằng đến cao hơn thị trường 100-150 đồng/kg nên không phải lo đầu ra. Doanh nghiệp cung cấp lúa giống và nhiều loại vật tư đầu vào cho nông dân, đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Tham gia CÐL, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật và thuận lợi trong đẩy mạnh cơ giới và ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, lợi nhuận có thể tăng cao từ 2,5-5 triệu đồng/ha/vụ so với ngoài mô hình”.
Huyện cũng chú trọng phát triển các mô hình luân canh lúa - màu, lúa - thủy sản và chuyên canh rau màu, cây ăn trái. Qua đó, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp tại địa phương và nâng cao được thu nhập cho người dân. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Ðỏ, năm 2020 huyện đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất các mô hình 2 lúa - 1 màu, 2 lúa - 1 cá, chuyên cây ăn trái, chuyên màu với tổng diện tích hơn 7.135ha. Nhiều địa phương tại huyện đã đẩy mạnh đưa cây màu xuống ruộng tại những nơi có điều kiện và phát triển nhiều mô hình nuôi thủy sản cho hiệu quả cao như mô hình nuôi lươn, nuôi cá lóc vèo, trồng nấm rơm, dưa hấu, trồng mướp hương, bầu bí, ớt… Ước doanh thu bình quân 1 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp tại huyện năm 2020 đạt hơn 204,446 triệu đồng, lợi nhuận bình quân hơn 71,535 triệu đồng.
Ðến nay, Cờ Ðỏ phát triển trồng hơn 3.980ha cây ăn trái các loại. Huyện đã hình thành được vùng chuyên canh trồng cây ăn trái tập trung như trồng xoài, trồng nhãn, trồng mãng cầu xiêm và trồng chuối tại xã Thới Hưng. Hiện nhiều loại cây ăn trái ngon trồng tại huyện Cờ Ðỏ như: xoài Cát Hòa Lộc, xoài giống Ðài Loan, mãng cầu xiêm, Thanh nhãn, nhãn Ido, chuối… đã được đưa đi xuất khẩu thành công vào nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính ở châu Âu và châu Mỹ. Nhiều diện tích vườn cây ăn trái tại huyện đã giúp nông dân có doanh thu và lợi nhuận cao hơn từ 3-5 lần trở lên so với trồng lúa. Những hộ dân có diện tích vườn cây lớn đã có thể đạt doanh thu và lợi nhuận từ vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng mỗi năm. Ðiển hình, như hộ ông Lê Văn Suốt ở xã Thới Hưng, có thể đạt lợi nhuận lên đến một vài tỉ đồng mỗi năm từ 8ha trồng nhãn và 2,5ha trồng mít Thái; hộ ông Cao Văn Lại ở xã Thới Hưng cũng có thể thu được lợi nhuận hơn 700 triệu đồng/năm từ hơn 3,1ha vườn trồng các loại cây ăn trái như nhãn, mãng cầu và xoài Ðài Loan…
Mở rộng liên kết
Cờ Ðỏ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng cao, an toàn và bền vững gắn với tăng cường liên kết theo chuỗi. Theo ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ, huyện tiếp tục thực hiện tốt Ðề án số 15-ÐA/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Cờ Ðỏ về phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn huyện Cờ Ðỏ giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Thường xuyên củng cố Ban Chỉ đạo tốt Ðề án số 15 nhằm tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế tập thể, kinh tế vườn của huyện. Tiếp tục triển khai, thực hiện Ðề án xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới huyện Cờ Ðỏ, từ đó giúp cho việc bố trí sản xuất phù hợp với từng vùng và mang tính khả thi cao. Vận động nông dân liên kết, sản xuất đồng bộ và thực hiện bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp. Kiện toàn các ban quản lý các mô hình liên kết để kịp thời quản lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tăng cường tìm kiếm và kêu gọi các công ty, doanh nghiệp có uy tín đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân…
Ðể khắc phục trình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, Cờ Ðỏ đang hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) để thuận lợi kết nối với doanh nghiệp và các bên liên quan trong các chuỗi giá trị nông sản. Năm 2020, huyện Cờ Ðỏ đã thành lập mới 4 HTX nông nghiệp, nâng tổng số trên địa bàn lên 24 HTX. Hiện có 4 HTX nông nghiệp tại huyện đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP đối với lúa, cây ăn trái và thủy sản, 3 HTX đã đăng ký nhãn hiệu tập thể. Bên cạnh đó, huyện Cờ Ðỏ còn có 307 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cánh đồng lớn và dịch vụ bơm tưới.
Các HTX và tổ hợp tác nông nghiệp đã phát triển được nhiều dịch vụ phục vụ cho thành viên và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân và cung ứng vật tư đầu vào với chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp. HTX và tổ hợp tác nông nghiệp Cờ Ðỏ đã khẳng định hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn, chất lượng cao và bền vững. Qua đó, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích và ổn định đầu ra cho nông sản.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)