EVFTA - cảm hứng chinh phục mới

Thứ bảy, 13 Tháng 2 2021 07:24 (GMT+7)
Trong những nỗ lực bền bỉ mở cửa hội nhập với thế giới, Việt Nam đã chân thành chứng minh sự cầu tiến của mình và có được sự tin tưởng của đối tác. Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có 13 FTA đã có hiệu lực, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam ngày càng tự tin tham gia vào những sân chơi lớn với những luật chơi sòng phẳng. Trong đó, FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), quy mô thị trường đạt 18.000 tỉ USD, có hiệu lực thực thi từ 1-8-2020, mang đến cảm hứng chinh phục mới cho doanh nghiệp trên sân chơi hội nhập…
Đóng gói gạo xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty CP Công nghệ cao Trung An.
Đóng gói gạo xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty CP Công nghệ cao Trung An.
 
Truyền cảm hứng chinh phục
 
Mức thuế suất ưu đãi của EVFTA thật sự hấp dẫn đối với Tập đoàn Lộc Trời, nhưng làm thế nào để chinh phục thị trường châu Âu thì không phải chuyện dễ dàng. Trong chiến lược chinh phục thị trường EU và khai thác các lợi ích từ EVFTA, Tập đoàn Lộc Trời lựa chọn chất lượng là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng khi xuất khẩu sản phẩm của Lộc Trời vào EU. Từ đó, Tập đoàn Lộc Trời luôn chú trọng khâu kiểm soát chất lượng trên cả các vùng sản xuất nguyên liệu và cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm.
 
Niềm tự hào của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, là vào đầu năm 2020, Tập đoàn của ông đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới có quy trình canh tác lúa đạt 100 điểm tuyệt đối theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững - SRP (Sustainable Rice Platform). Hôm 22-9, Tập đoàn long trọng tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng 126 tấn gạo thơm Jasmine 85, đóng gói quy cách 18kg sang thị trường EU theo EVFTA. Không dừng lại ở thành tích đó, Lộc Trời triển khai lộ trình tiến tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống 1.000 hợp tác xã liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024.
 
Còn ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thì trăn trở: “Từ trước đến nay, gạo Việt Nam đưa vào châu Âu chủ yếu là xuất thô, không có thương hiệu nên giá trị hạt gạo chưa cao. Vì vậy công ty của tôi đang nỗ lực đàm phán với đối tác để sản phẩm được mang thương hiệu Trung An và để thương hiệu gạo của mình được lên quầy kệ tại thị trường châu Âu”.
 
Sau chuyến hàng đầu tiên sang EU với lãi suất ưu đãi 0% từ EVFTA với khoảng 150 tấn gạo, lãnh đạo, công nhân Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tất bật để kịp chuẩn bị hàng cung ứng trong tổng khối lượng theo hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn gạo sang thị trường EU.
 
Theo Bộ Công Thương, năm 2020 có thể nói là năm “thắng đậm” của gạo Việt Nam, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán, xuất khẩu dự kiến thu về 3 tỉ USD. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, không chỉ gạo, doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ... của Việt Nam đều có cơ hội lớn chinh phục thị trường châu Âu. Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mà doanh nghiệp nhập khẩu cũng có cơ hội mở rộng danh mục kinh doanh qua các mặt hàng ô tô, dược phẩm, hóa chất nhập khẩu từ EU với các ưu đãi từ EVFTA. Ngoài ra, còn các cơ hội hợp tác trên lĩnh vực dịch vụ như tài chính, thương mại điện tử, logistics...
 
Doanh nghiệp tăng cường nội lực
 
Vui mừng trước tác động tích cực mà EVFTA và các FTA khác đang mang lại, nhưng ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) không quên nhắc doanh nghiệp cần “học bài và thuộc bài”. Có như vậy doanh nghiệp mới xử lý hiệu quả những thách thức về thông tin và quy định thị trường trong giao thương quốc tế.  
 
Để giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu TP Cần Thơ hiểu các quy tắc và vận dụng được cam kết của EVFTA, Sở Công Thương TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã phối hợp tổ chức các khóa tập huấn cần thiết. Những nội dung tập huấn mà theo các doanh nghiệp là rất kịp thời và quan trọng như: Quy tắc xuất xứ hàng hóa và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong EVFTA; tra cứu, cập nhật, vận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan; nhận diện và vượt qua hàng rào phi thuế quan... Từ đó doanh nghiệp chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi đã có hàng hóa tốt, doanh nghiệp sẽ tự tin và sòng phẳng trong đàm phán với đối tác.
 
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, chia sẻ: Mặc dù thị trường châu Âu chưa phải là thị trường lớn nhất của Công ty nhưng là một trong những thị trường tiềm năng và trọng yếu đối với doanh nghiệp. Vì vậy, công ty luôn chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại để phục vụ tốt nhất cho thị trường này. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển các sản phẩm chế biến sâu, khẳng định chất lượng với khách hàng.
 
Ngoài cơ hội mở rộng thị trường, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cũng nhìn thấy những cơ hội giúp doanh nghiệp tăng cường nội lực từ EVFTA. Đó là việc dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ kỹ thuật cao từ các nước thành viên trong Hiệp định. Từ đó, mở ra cơ hội hợp tác và sáng kiến kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) cho các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu.
 
Ông Poulain Jacques, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cũng có lời khuyên: Nông sản Việt Nam là mặt hàng dễ bị tổn thương. Do đó, để đạt được những lợi ích như kỳ vọng, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới, đáp ứng tiêu chuẩn của EU. Đặc biệt là những tiêu chuẩn về chất lượng từ nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, bảo quản và vận chuyển sản phẩm; các tiêu chí về phát triển bền vững...
 
EVFTA giúp giảm bớt hàng rào thuế quan với 71% tổng giá trị hàng Việt Nam xuất sang EU; điều khoản về chỉ dẫn địa lý (GI) giúp bảo vệ tốt hơn hàng hóa trước vấn nạn hàng nhái hay hàng giả. Hiện có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo vệ ở châu Âu.
Bài, ảnh: NAM HƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế