Sức bật mới cho khởi nghiệp đồng bằng

Thứ bảy, 27 Tháng 2 2021 07:16 (GMT+7)
Từ khi Chính phủ phát động vào năm 2016, phong trào khởi nghiệp các địa phương vùng ÐBSCL phát triển sôi nổi. Ðáng chú ý là các dự án khởi nghiệp từ lợi thế của vùng như tài nguyên bản địa, nông nghiệp đã ghi dấu ấn trong việc nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu cộng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp khởi nghiệp cần đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để thích ứng với tình hình mới cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường.
Dự án “Ba khía Đầm Dơi - Sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương” đạt giải nhất tại Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2020.
 
Khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có
 
Giá trị tài nguyên du lịch bản địa tại ÐBSCL được đánh giá trù phú nhưng chưa được phát huy phù hợp, vì vậy, chị Hồ Ngọc Trâm ở huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp nảy ra ý tưởng và thiết kế sản phẩm: Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong Farmstay (Việt Mekong Farmstay). Chị Hồ Ngọc Trâm, Giám đốc điều hành Dự án Việt Mekong Farmstay, chia sẻ: Dự án thực hiện trên không gian nông trại sản xuất theo hướng thuận thiên, phục hồi hệ sinh thái Ðồng Tháp Mười, có diện tích 4,02ha. Ðến đây, du khách nhận được gói dịch vụ nghỉ dưỡng thuận thiên: trải nghiệm văn hóa nông nghiệp khẩn hoang các hoạt động làm nông nghiệp với nông cụ theo lối xưa. Ðồng thời, thưởng thức văn hóa ẩm thực phương Nam trong không gian hoài cổ với thực đơn hướng đến thực dưỡng và thật dưỡng mang lợi ích tích cực cho sức khỏe.
 
Tại phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, chị Trần Thị Kim Ngân được biết đến là một startup trẻ thế hệ 9X thành công với nghề làm mắm chao cá mè vinh. Theo chị Ngân, nhận thấy cá mè vinh làm mắm có tiềm năng, hơn nữa lượng cá mè vinh tự nhiên ở địa phương phong phú nên sau khi học xong ngành công nghệ sinh học, chị Ngân quyết định về quê lập nghiệp. Với mục tiêu mở rộng thị trường, đưa mắm chao cá mè vinh trở thành món ăn nổi tiếng và mang giá trị văn hóa ẩm thực địa phương, chị Ngân tự tin thành lập Cơ sở sản xuất Mắm Ba Lộc vào tháng 8-2020, trong đó, mắm chao cá mè vinh là sản phẩm thương hiệu.
 
Chị Ngân, chia sẻ: “Một trong những đặc sản nổi tiếng của An Giang là mắm với những dòng sản phẩm làm nên thương hiệu: mắm Bà Giáo Khỏe, mắm Cô Giáo Thảo… được làm từ cá lóc, cá linh, cá sặc theo phương pháp truyền thống lâu đời. Bằng kinh nghiệm và công thức làm mắm riêng, tôi mong muốn góp thêm dòng sản phẩm mới là mắm chao cá mè vinh. Nguyên liệu mắm chao cá mè vinh đặc biệt có cơm rượu, vị ngọt thanh của đường thốt nốt, vị mặn của muối, vị béo và ngọt của thịt cá mè vinh, mùi thơm của thính,... Tất cả hội tụ trong hũ chao mắm cá mè vinh đặc sản mang đến cho người dùng món ăn đậm đà, khó quên. Ðặc biệt, xương cá mè vinh tan từ từ khi nhai và khi ăn xong sẽ không để lại mùi như các loại mắm khác”.
 
Cũng khởi nguồn từ đặc sản địa phương, chị Trần Thị Xa bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình với Dự án “Ba khía Ðầm Dơi - Sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương”. Chị Trần Thị Xa, cho biết: “Ở huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau có nguồn nguyên liệu ba khía dồi dào nhưng tiếng vang về món ba khía ít được nhắc đến. Ðể nâng cao giá trị, làm nên thương hiệu “ba khía Ðầm Dơi” tôi đặt mục tiêu làm sao để sản xuất ba khía ngon, đạt yêu cầu về vệ sinh và chất lượng. Bởi muốn ba khía đến tay và được người tiêu dùng ưa chuộng thì khâu vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đưa lên hàng đầu. Với những nỗ lực không mệt mỏi, sản phẩm “ba khía Ðầm Dơi” của tôi đã đạt giải nhất tại cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Cà Mau năm 2020” và cuộc thi Khởi nghiệp ÐBSCL do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức”.
 
Tăng hàm lượng công nghệ
 
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Phát triển doanh nghiệp mới, từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân trẻ, năng động, sáng tạo và có hàm lượng công nghệ trong sản xuất kinh doanh luôn là mục tiêu mà VCCI Cần Thơ hướng đến. Cuộc thi Khởi nghiệp ÐBSCL năm 2020 chúng tôi nhận được tổng cộng 476 hồ sơ của hơn 1.100 thí sinh từ 12 tỉnh/thành khu vực ÐBSCL. Trong đó, các dự án liên quan đến nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất là 41%, với 196 hồ sơ. Ðiều này cho thấy, các bạn trẻ rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên bản địa vốn là lợi thế của vùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay: biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế, dịch bệnh COVID-19… các bạn trẻ nên đặc biệt quan tâm đến các yếu tố về công nghệ trong mỗi dự án. Có như vậy, mới có thể thu hút được nhà đầu tư trong, ngoài nước và đây cũng là xu thế phát triển chung của cả thế giới khi Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ.
 
Trên thực tế, nhiều startup cũng đã nhanh chóng nắm bắt xu thế và chọn hướng đi phù hợp. Theo chị Hồ Ngọc Trâm, để tiếp cận khách hàng, Dự án Việt Mekong Farmstay đã và đang ứng dụng mạng xã hội, internet, phần mềm quản lý và đăng ký mở cửa hàng trên sàn thương mại điện tử. Ðơn cử, ứng dụng các thiết bị điện tử và máy kỹ thuật số để số hóa dữ liệu, phim ảnh, chương trình và ứng dụng hệ thống kênh xã hội để truyền thông, marketing và bán sản phẩm dịch vụ: https://vietmekongtravel.net; https://www.facebook.com/VietMekongFarmstay; https://www.youtube.com/channel/UCL0iu-mvwCr6VMfrKxSaT3g/featured.
Sản phẩm mắm chao cá mè vinh được quảng bá tại một sự kiện diễn ra ở TP Cần Thơ.
Sản phẩm mắm chao cá mè vinh được quảng bá tại một sự kiện diễn ra ở TP Cần Thơ. 
 
Chị Trần Thị Xa chia sẻ: Với phương châm “trao chất lượng - nhận niềm tin”, sản phẩm ba khía của chúng tôi được sản xuất theo quy trình hiện đại; chú trọng từng khâu nhỏ nhất, từ bước chọn nguyên liệu đến thành phẩm và tiêu thụ trên thị trường. Ngoài việc xây dựng thương hiệu, chúng tôi còn tập xây dựng hệ thống điểm bán hàng đáng tin cậy cho người tiêu dùng”.
 
Theo các chuyên gia, dưới tác động của dịch COVID-19 sẽ làm cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong startup diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Và startup phải tận dụng thời cơ này để đổi mới và bứt phá. ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Yeah1, khẳng định: Các bạn trẻ khởi nghiệp cần xác định rõ thế mạnh và nét đặc sắc riêng có của bản thân. Song song đó, cần chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công cuộc khởi nghiệp của mình. Trong đó, cách mạng số phải được đặt vào vị trí trọng tâm, là bước nhảy của những doanh nghiệp “khổng lồ”. Thực tế cho thấy, các công ty hàng đầu thế giới chỉ mất 10 năm để vượt mặt các lão làng bằng công cụ công nghệ số, tạo ra các đột phá khác biệt, dẫn dắt trào lưu mới...
 
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế