Nông sản “bắt” tín hiệu từ thị trường xuất khẩu

Thứ năm, 04 Tháng 3 2021 09:25 (GMT+7)
Xuất khẩu (XK) mặt hàng nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 tăng 11,2% so với cùng kỳ. Mỹ vươn lên là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam tại thời điểm này. Tuy nhiên, để giữ vững “phong độ” XK của lĩnh vực này, sẽ còn nhiều việc phải làm.
 
Mỹ tăng mua hàng nông sản Việt
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,78 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch XK thủy sản đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7%; kế đến mặt hàng rau quả đạt 610 triệu USD, tăng 14,6%; XK hạt điều cũng tăng 21,5%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 78,2%. Đặc biệt, XK cao su tăng mạnh 89,9% về lượng và tăng 109,7% về trị giá so với 2 tháng đầu năm 2020, đạt 320 nghìn tấn, trị giá 516 triệu USD….
 
4819-ynh-chyn
Mỹ là thị trường tiềm năng cho nông sản Việt
 
Tin vui trong XK nông, lâm, thủy sản cũng được đề cập trong báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2021, Mỹ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch XK các mặt hàng nông sản đạt khoảng 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 33,05% thị phần. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc ước đạt 1,88 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ và chiếm 30,53% thị phần. Việc Mỹ trở thành thị trường XK lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là tín hiệu tích cực, bởi đây là thị trường rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng.
 
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, kinh tế thế giới năm nay sẽ được dự báo là diễn biến phức tạp khó lường, thể hiện ở những xung đột thương mại, cạnh tranh thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt. Việc các quốc gia ban bố lệnh phong tỏa để làm chậm tốc độ lây lan của Covid-19 đã phần nào tạo ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và luân chuyển thương mại giữa các nước. Trong đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở và XK là một yếu tố quan trọng trong một quá trình phát triển của mình.
 
Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), nhu cầu nông sản trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lên 15% vào năm 2029 do gia tăng dân số lên khoảng 11% trong giai đoạn từ năm 2017 - 2029, tiếp tục tạo cơ hội rất tốt cho nông sản Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, thúc đẩy XK.
 
Mặt khác Việt Nam đã đang đàm phán kí kết và triển khai 16 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mở ra cho nông sản Việt Nam cơ hội thâm nhập một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực.
 
Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng tốt nhất cơ hội từ các thị trường cũng như vượt qua được những rủi ro là bài toán đang được đặt ra. Trên thực tế, tại thị trường Mỹ, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, trái cây... đến nay vẫn chỉ XK với số lượng rất nhỏ. Nguyên nhân là tiêu chuẩn chất lượng không đạt yêu cầu.
Mặt khác, việc một số nước trong đó có Trung Quốc đang tiếp tục thắt chặt công tác kiểm dịch an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, có mã vùng trồng,… sẽ là những khó khăn mà các sản phẩm Việt Nam phải vượt qua trong thời gian tới.
 
Sản phẩm cần tạo sự khác biệt rõ nét về chất lượng và hình thức
Để nắm bắt được cơ hội thị trường, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiếp tục tổ chức đàm phán, mở cửa thị trường XK chính ngạch cho nông sản tại các thị trường mà Việt Nam đã kí kết các FTA. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động kết nối XK, hỗ trợ giao thương tại các tỉnh biên giới trong nước nhằm đẩy mạnh XK hàng hóa nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
 
Riêng đối với khu vực RCEP thì thách thức lớn nhất là cần tăng tối đa khả năng cạnh tranh cho sản phẩm vì hầu hết các quốc gia trong khối đều có nhiều mặt hàng tương đồng (các nước trong ASEAN). Do đó, về phía doanh nghiệp (DN), cần tạo ra sự khác biệt rõ nét của sản phẩm về cả chất lượng và hình thức cũng là vấn đề được đặt ra.
 
Đối với thị trường Mỹ, với kim ngạch XK rất lớn, họ đang gia tăng các hàng rào kĩ thuật đối với các nhóm hàng thủy sản, hồ tiêu, và các sản phẩm gỗ. Vì vậy các DN cần chủ động có những giải pháp ứng phó linh hoạt.
 
Dịch Covid-19 cũng đang làm thay đổi thói quen của người dùng. Ngoài việc chuẩn bị năng lực sản xuất, điều kiện tham gia thị trường, DN còn phải đáp ứng đúng nhu cầu mới của thị trường như mua sắm trực tuyến, thiết kế sản phẩm, đóng gói bao bì. Đặc biệt, cơ quan chức năng Mỹ hết sức quan tâm tới hoạt động đầu tư có dấu hiệu gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ. Do đó, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - lưu ý, khi tham gia hợp tác đầu tư, kinh doanh, DN cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
 

 

Dịch Covid-19 chắc chắn sẽ còn những tác động lớn đến giao thương nông sản toàn cầu, chính vì vậy toàn ngành nông nghiệp và các DN cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch để đưa ra các giải pháp phù hợp trong từng thời điểm, đảm bảo cho hoạt động XK nông, lâm, thủy sản, được thông suốt và hiệu quả trong năm 2021 và cả những năm tiếp theo.

 

 

Bài viết mới nhất của Kinh tế