Chủ động nguồn nước sản xuất lúa và cây ăn trái trong mùa khô

Thứ bảy, 06 Tháng 3 2021 07:20 (GMT+7)
Ngay từ các tháng mùa mưa của năm 2020, ngành chức năng cùng người dân tại các địa phương vùng ÐBSCL đã đầu tư, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, chủ động tích trữ nước ngọt và bố trí cơ cấu mùa vụ phù hợp để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và hạn mặn được dự báo tiếp tục diễn biến khốc liệt trong mùa khô 2020-2021. Với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai kịp thời, các địa phương vùng ÐBSCL đảm bảo khá tốt nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Nông dân ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ chủ động lắp đặt phương tiện bơm nước để sẵn sàng tưới nước cho cây trồng trong mùa khô.
 
Vững tin vụ lúa đông xuân thắng lợi
 
Vụ lúa đông xuân 2020-2021, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL gieo trồng được 1,516 triệu héc-ta lúa. Nhìn chung, lúa đông xuân tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã vượt qua nguy cơ bị giảm năng suất và thiệt hại do hạn mặn, nhờ chủ động xuống giống sớm, bố trí mùa vụ, cơ cấu giống phù hợp, chủ động nguồn nước cho tưới tiêu. Hiện các trà lúa đông xuân sớm tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL như Vĩnh Long, Tiền Giang… đã thu hoạch đạt năng suất khá cao, với trên dưới 7 tấn/ha. Nông dân rất phấn khởi vì lúa trúng mùa, được giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
 
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năng suất lúa vụ đông xuân 2020-2021 ước đạt bình quân gần 7 tấn/ha, tăng 0,96 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Tổng sản lượng lúa cả vụ ước đạt 10,51 triệu tấn. Giá lúa đang dao động khoảng 6.800-7.000 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao và khoảng 7.000-7.500 đồng/kg đối với lúa thơm, nếp khoảng 7.500-8.000 đồng/kg. Ðến ngày 16-2-2021, vùng ÐBSCL đã thu hoạch được 350.000ha, dự kiến thu hoạch đến hết tháng 2-2021 đạt 550.000ha. Các trà lúa còn lại gồm 350.000ha trong giai đoạn chín, giai đoạn đòng trổ 400.000ha, giai đoạn đẻ nhánh 216.400ha… Diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn vào giai đoạn cuối vụ chỉ khoảng 10.700ha tại tỉnh Trà Vinh.
 
Trên địa bàn TP Cần Thơ lúa đông xuân chủ yếu đang ở giai đoạn chắc xanh đến chín và thu hoạch nên hầu như không còn nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn vào cuối vụ. Ðến ngày 24-2, Cần Thơ đã có 1.162ha lúa đông xuân 2020-2021 tại các quận, huyện được thu hoạch, với năng suất đạt gần 7,1 tấn/ha”.
 
Chủ động nguồn nước
 
Hiện nay, với tình hình trữ nước ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và một số tỉnh có vườn cây ăn trái chủ lực, cho thấy nông dân đã hết sức chủ động. Chính quyền địa phương cũng tăng cường các giải pháp về đắp đập ngăn mặn, trữ nước ngọt và bơm những nguồn nước vào ao, nơi chứa...
 
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng: “Mùa khô năm nay nếu có diễn biến như 2015-2016, thậm chí cao hơn thì các vườn cây ăn trái của vùng ÐBSCL với khoảng 50.000ha trong vùng ảnh hưởng, chúng ta có thể vượt qua mùa khô tương đối khắc nghiệt này bằng sự chủ động và tinh thần bảo vệ sản xuất của bà con rất cao. Cùng với đó là sự chuẩn bị từ khá sớm, cách nay 5-6 tháng, với nhiều giải pháp được triển khai từ Bộ NN&PTNT đến các cơ quan chuyên môn của Bộ và đến các Sở NN&PTNT các địa phương. Ðồng thời, các nguồn thông tin từ các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương cũng cập nhật hằng ngày và thông báo đến các cán bộ kỹ thuật và nông dân để ứng phó kịp thời với hạn, mặn. Mùa khô 2020-2021 dù được dự báo khắc nghiệt và có những diễn biến bất thường từ nguồn nước thượng nguồn nhưng tin rằng sản xuất vẫn được đảm bảo. Chúng tôi hy vọng có mùa bội thu cả lúa và cây ăn trái”.
 
Toàn vùng ÐBSCL có hơn 370.000ha cây ăn trái các loại, trong đó có nhiều tỉnh ven biển có diện tích cây ăn trái lớn như: Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh… Cục Trồng trọt cho biết, qua khảo sát các tỉnh ven biển, hiện chưa ghi nhận thiệt hại do hạn mặn đối với cây ăn trái. Tuy nhiên, nếu tình hình hạn mặn tiếp tục kéo dài đến tháng 3-2021, dự kiến diện tích cây ăn trái có thể bị ảnh hưởng bởi hạn mặn khoảng 50.000ha, tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long.
 
Ðể ứng phó với nguy cơ bị hạn mặn có thể xảy ra, ngay từ khá sớm ngay từ các tháng mùa mưa năm 2020, nông dân trồng cây ăn trái tại các tỉnh ven biển đã chủ động đào ao, nạo vét mương và đầu tư mua các dụng cụ để tích trữ nước ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho vườn cây ăn trái. Theo ước tính của Sở NN&PTNT Bến Tre, trong năm 2020 có khoảng 500 ao với dung tích 500m3 nước/ao được nông dân thiết kế để tích trữ nước. Còn tại tỉnh Tiền Giang, nông dân tại huyện Cai Lậy cũng đã đầu tư 1.200 ao và dụng cụ  tích trữ nước, trong đó có 109 ao với dung tích 2.000m3/ao. Tại các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh nông dân  cũng đã và đang tích cực tích trữ nước trong mùa khô.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, rút kinh nghiệm từ các mùa khô trước, tỉnh đã chủ động nạo vét kênh, mương để trữ nước ngọt từ khá sớm, cũng như xây đập ngăn mặn và chuẩn bị phương tiện bơm nước, đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xuống giống gieo sạ sớm tại những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn vào cuối vụ.
 
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, với tinh thần cảnh giác, chúng ta đã chuẩn bị nguồn nước cung cấp cho cây lúa, cũng như cây ăn trái của các tỉnh ven biển ĐBSCL, hoàn toàn chủ động. Đến nay, đã thu hoạch 350.000ha lúa, cuối tháng 2 sẽ thu hoạch được 550.000ha. Tình hình khô hạn theo dự báo sẽ diễn biến khốc liệt vào cuối tháng 2 đến hết tháng 3, chúng ta đang chuẩn bị tinh thần ứng phó đến cuối tháng 3 và tiếp tục chuẩn bị thêm nếu diễn biến mặn có phức tạp hơn và có nguy cơ tương đương những năm trước đây, thì chúng ta vẫn đủ nguồn nước cung cấp cho vườn cây ăn trái.
 
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế