Chờ cú hích từ Mobile Money: Ví điện tử sẽ bị cạnh tranh mạnh

Thứ hai, 15 Tháng 3 2021 12:08 (GMT+7)
Lợi thế lớn nhất của Mobile Money là tài khoản thanh toán gắn với sim có thể nạp tiền không cần thông qua tài khoản ngân hàng nên sẽ cạnh tranh với các ví điện tử đang hoạt động trên thị trường
 
Ngày 12-3, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều nhà mạng gấp rút chuẩn bị hồ sơ gửi cơ quan chức năng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
 
Nhà mạng đã sẵn sàng
 
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết đã sẵn sàng thử nghiệm dịch vụ và đáp ứng tất cả yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra. Để triển khai Mobile Money, Viettel không chỉ chuẩn bị trước hạ tầng và nguồn lực mà còn thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng của nhà mạng này.
 
"Hệ sinh thái tài chính số ViettelPay có hơn 100 tính năng, tiện ích và phục vụ khoảng 10 triệu khách hàng là hạ tầng để tập đoàn triển khai Mobile Money. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money để thực hiện giao dịch tài chính bằng cả thiết bị thông minh hoặc điện thoại 2G dù không có tài khoản ngân hàng (NH)" - đại diện Viettel nói.
 
Chờ cú hích từ Mobile Money: Ví điện tử sẽ bị cạnh tranh mạnh - Ảnh 1.
Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ cạnh tranh hơn khi Mobile Money được thí điểm hoạt động Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Theo vị đại diện này, trước khi Mobiel Money được thử nghiệm tại Việt Nam, Viettel đã có kinh nghiệm triển khai thương mại tại 6/10 thị trường nước ngoài. "Triển khai tiền di động sẽ giúp người dân sử dụng dễ dàng ở cả thành thị lẫn nông thôn. Việc thanh toán, chuyển tiền, đặc biệt là các giao dịch tiền lẻ hằng ngày, sẽ trở nên đơn giản với người dân" - ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, nhìn nhận.
 
Tập đoàn VNPT cũng cho biết sẽ gửi hồ sơ xin thử nghiệm dịch vụ Mobile Money lên cơ quan quản lý trong những ngày tới. Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc VNPT Media - Tập đoàn VNPT, sau khi được phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money, các nhà mạng phải chuẩn bị hồ sơ xin thử nghiệm dịch vụ rồi chờ ý kiến các bộ, ngành liên quan. Đến khi có quyết định đồng ý cấp phép thử nghiệm, các nhà mạng mới bắt đầu mở tài khoản Mobile Money cho người dùng.
 
"Mobile Money cũng là dịch vụ trung gian thanh toán giúp người dùng tiếp cận dịch vụ tài chính, thanh toán tốt hơn. Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi khi triển khai dịch vụ này là góp phần hoàn thiện hơn hệ sinh thái của nhà mạng trong bối cảnh số hóa, tận dụng từ cơ sở hạ tầng, mạng lưới, điểm giao dịch đến cơ sở dữ liệu…" - ông Nguyễn Sơn Hải bày tỏ.
 
Nhà mạng MobiFone cũng đã xin cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đã chính thức được NH Nhà nước cấp phép. Đây là điều kiện tiên quyết cho phép MobiFone tham gia thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money.
 
"Loại hình này cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường thanh toán, đem lại nguồn doanh thu mới trong bối cảnh thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống đã bão hòa. Với việc thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ số MobiFone MDS và triển khai cung cấp dịch vụ Mobile Money, đây sẽ là những mảnh ghép quan trọng hoàn thiện hệ sinh thái số của MobiFone" - đại diện MobiFone nói.
 
Chờ những cuộc "bắt tay"
 
Thị trường Mobile Money được dự đoán tăng trưởng nhanh và phát triển tốt với chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Dự kiến, Mobile Money sẽ chiếm khoảng 10% doanh thu của MobiFone.
 
Theo lãnh đạo một số ví điện tử, Mobile Money được phép thí điểm trên toàn quốc sẽ cạnh tranh nhất định với những đơn vị trung gian thanh toán đang khai thác ví điện tử trên thị trường. Cụ thể, dịch vụ Mobile Money triển khai thí điểm trong thời gian tới có khá nhiều điểm thoáng hơn so với ví điện tử hiện tại, đặc biệt là quy định cho phép nạp tiền không cần phải thông qua tài khoản NH - quy định đang bắt buộc với các ví điện tử. Ngay cả Nghị định sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt đang được lấy ý kiến cũng tiếp tục bắt buộc chủ ví điện tử phải nạp tiền thông qua tài khoản NH. Dù vậy, lãnh đạo các ví điện tử đều nhìn nhận việc Mobile Money được Thủ tướng cho phép nhà mạng thí điểm trên toàn quốc là một chủ trương góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty ZION - đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay, cho rằng cạnh tranh là khó tránh, nhưng thực tế mỗi doanh nghiệp có chiến lược, phân khúc thị trường và khách hàng khác nhau. Ví điện tử tập trung vào các thành phố lớn, nếu Mobile Money đúng như định hướng ban đầu là triển khai để phát triển tài chính toàn diện, cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng ở vùng sâu, vùng xa… thì sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
 
"Chuyện phát triển dịch vụ Mobile Money đã có từ vài năm nay, trong khi mỗi ví điện tử cũng có chiến lược riêng của mình. Nếu các chính sách, hành lang pháp lý đủ tốt và cởi mở, công bằng thì các doanh nghiệp sẽ có cơ hội lớn để thành công" - bà Thanh nhận xét.
 
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc VietUnion - đơn vị phát triển nền tảng thanh toán Payoo, cho biết doanh nghiệp đã và đang hợp tác với nhiều đơn vị viễn thông để cung cấp các dịch vụ mã thẻ, nạp thẻ điện thoại… Các đơn vị viễn thông có ưu thế về công nghệ, năng động và có tập dữ liệu khách hàng đã được định danh nên khi Mobile Money được triển khai sẽ có lợi thế để phát triển. Để thúc đẩy Mobile Money phát triển khi được thí điểm, lãnh đạo Payoo kỳ vọng các nhà mạng và đơn vị trung gian thanh toán có thể kết nối, hợp tác nhằm tận dụng thế mạnh của nhau. Đơn cử, Payoo đang có 20.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, trang thiết bị hiện đại và hệ thống kết nối lâu năm với các điểm bán, sẵn sàng phối hợp cùng các đơn vị viễn thông để phát triển dịch vụ Mobile Money mạnh mẽ hơn.
 
"Theo chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng nền tảng dữ liệu mở, hệ thống công dân quốc gia, Payoo kỳ vọng các đơn vị viễn thông cũng xây dựng nền tảng mở, phối hợp, chia sẻ dữ liệu nhằm tiết giảm thời gian định danh khách hàng, giúp ngành thanh toán phục vụ nhiều nhóm đối tượng khách hàng hơn nữa và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam" - ông Ngô Trung Lĩnh bày tỏ. 
 
Các bên cùng có lợi
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, nhận định thời gian qua, các ví điện tử phải thường xuyên khuyến mãi, ưu đãi để gia tăng thị phần nên việc Mobile Money được các nhà mạng triển khai thí điểm sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh. Dù vậy, trong cuộc đua này, người dùng sẽ có thêm kênh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.
 
Đại diện MobiFone cũng cho rằng việc phải cạnh tranh với các ví điện tử đang hoạt động là quy luật tất yếu của thị trường. Mobile Money và dịch vụ ví điện tử có thể vừa là đối thủ vừa là đối tác của nhau để cùng phát triển, đẩy mạnh thị trường thanh toán không dùng tiền mặt. Khi thị trường phát triển, không chỉ người dùng mà tất cả doanh nghiệp đều được hưởng lợi.
 
THÁI PHƯƠNG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế