Cần cơ chế đặc thù về đầu tư
Công trình cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng năm 2010, kết nối Cần Thơ với các địa phương ĐBSCL. Ảnh: H.A
Từ năm 2010 đến nay, ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng gia tăng do BĐKH cực đoan, khó lường. Tình trạng sụt lún đất, xói lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của toàn vùng… Vì vậy, ĐBSCL đang cần nguồn lực đầu tư từ Trung ương cho các công trình, dự án nhằm tăng khả năng chống chịu và thích ứng của vùng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), giai đoạn 2016-2020, tổng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư qua địa phương khoảng 220.000 tỉ đồng, chiếm 16% so với cả nước. Vốn đầu tư qua các bộ, ngành giai đoạn này cho ĐBSCL cũng tương đối lớn: nông nghiệp 28.200 tỉ đồng, giao thông 32.961 tỉ đồng, y tế 947,5 tỉ đồng. Ngoài ra, nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn khoảng 2.500 tỉ đồng để xử lý các điểm sạt lở cấp bách nguy hiểm.
“Giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn NSNN dự kiến hỗ trợ cho các dự án do địa phương quản lý dự kiến khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020. Vốn NSNN đầu tư qua Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế… để triển khai các công trình dự án tại vùng khoảng 121.600 tỉ đồng. Như vậy, tổng số vốn NSNN đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 cho ĐBSCL khoảng 388.000 tỉ đồng” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết. Nguồn vốn này sẽ đầu tư hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: thông toàn bộ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau và các tuyến giao thông liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng.
Song, theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, nguồn lực này chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của ĐBSCL. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành làm việc với các đối tác nhằm huy động đủ 2 tỉ USD nguồn vốn bổ sung cho ĐBSCL giai đoạn tới. Về cơ chế tài chính, các địa phương ĐBSCL đề xuất được cấp phát trực tiếp 100% vốn vay. Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng cho biết, theo ý kiến của Bộ Tài chính, các dự án tại các địa phương sử dụng vốn vay tại Khoản hỗ trợ ngân sách trên thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, nên không thể cấp phát 100% vốn vay, mà địa phương phải vay lại theo Nghị định số 97 về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Như vậy, cần một cơ chế đặc thù, vượt trội cho nguồn vốn này để thực hiện được mục tiêu như kết luận tại các cuộc họp trước đây của Thủ tướng Chính phủ với vùng ĐBSCL.
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều khẳng định cần tăng thêm nguồn lực đầu tư cho vùng. Lãnh đạo các địa phương ĐBSCL cũng đề xuất Chính phủ có cơ chế về tài chính cho vùng, nhất là đối với các khoản vay ODA để các địa phương đầu tư công trình, dự án cấp bách, trọng điểm, tạo kết nối vùng, liên vùng. Có như vậy mới có thể thực hiện nhất quán quan điểm phát triển ĐBSCL theo định hướng của Chính phủ, là: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng, “thuận thiên”; phát triển bền vững theo hướng sống chung với hạn, mặn, lũ…
Giải quyết “điểm nghẽn”
Giai đoạn 2021-2025, dù nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho ĐBSCL có tăng so với giai đoạn trước, nhưng nhiều nhận định cho rằng nguồn lực này vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Là một trong số các địa phương chịu tác động nặng nề của BĐKH, tỉnh Cà Mau đang đối mặt với thiếu nước ngọt cho sản xuất vào mùa khô, sạt lở đê biển Tây nghiêm trọng… Tình trạng dịch chuyển lao động cũng là thách thức lớn của tỉnh, với khoảng 1,2 triệu dân, trong đó 600.000 người độ tuổi lao động nhưng 1/3 trong số này đang làm việc ở các địa phương khác. Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, tỉnh chưa có nhiều việc làm chất lượng và thu nhập tốt; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, nhất là hạ tầng logistics; thu hút đầu tư vào tỉnh còn nhiều khó khăn… Tỉnh kỳ vọng có thêm nguồn lực đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, kiến nghị: “Chính phủ chấp thuận thực hiện theo phương thức cấp phát với khoản vay 2 tỉ USD tăng thêm cho ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 để các địa phương hoàn thành các chương trình, dự án với cơ chế tài chính cấp phát vốn vay nước ngoài theo tỷ lệ phù hợp”.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP đến nay, việc ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ, tập trung hơn, mang lại nhiều kết quả tích cực. Các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế, liên kết vùng và huy động nguồn lực phát triển cho toàn bộ khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đã được tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, mang tính chiến lược. Nhưng thực tế, doanh nghiệp và người dân đều gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô sản xuất lớn hơn, do hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong khi nguồn ngân sách đầu tư công còn khó khăn, khó thu hút các nguồn đầu tư từ tư nhân trong lĩnh vực BĐKH. Vì vậy, Trung ương cần có cơ chế, chính sách tài chính cụ thể hơn cho ĐBSCL.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết với tư cách là đối tác phát triển, WB sẵn sàng huy động thêm nguồn tài chính thực hiện tầm nhìn và mục tiêu của Nghị quyết 120/NQ-CP cho ĐBSCL thời gian tới. WB cũng kỳ vọng đến năm 2025, hơn 60% các dự án đầu tư công tại ĐBSCL sẽ được lồng ghép các yếu tố BĐKH và rủi ro môi trường trong thiết kế dự án. Huy động tài chính đầu tư cho ĐBSCL là thiết yếu và phải dựa trên nguyên tắc về lập kế hoạch dài hạn, hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Cần thiết lập một nền tảng huy động tài chính tổng hợp để tập hợp các nguồn lực công - tư; phân bổ hợp lý và hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nêu quan điểm: Về nguồn lực, Nghị quyết số 120 ra đời trong bối cảnh Chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được thông qua; nên thực tế các dự án trọng điểm, liên kết vùng đều gặp vướng mắc về nguồn vốn triển khai. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả chưa đạt được như mong muốn. Chính phủ đang xây dựng Chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do đó, kiến nghị Chính phủ ưu tiên hơn đến ĐBSCL. Để thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 120/NQ-CP, các địa phương phải tận dụng các nguồn lực khác nhau, kể cả ngoài NSNN. Nguồn lực và cũng là lợi thế so sánh lớn nhất của các địa phương chính là đất đai, nhưng hiện nay rất khó phát huy do bị vướng về cơ chế. Do đó, kiến nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi lại quy định quản lý đất trồng lúa theo hướng linh hoạt hơn, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tạo nguồn lực cho các địa phương phát triển kinh tế.
GIA BẢO - KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)