Khách tham quan, tìm hiểu các thiết bị công nghệ phục vụ nuôi tôm được trưng bày, giới thiệu tại VietShrimp 2021.
Triển vọng phát triển xuất khẩu tôm
Theo các chuyên gia, sự ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, cộng với việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia sản xuất tôm chủ lực của thế giới. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, cả nước hiện có hơn 200.000ha nuôi tôm công nghệ cao, trong đó tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, với tổng diện tích khoảng 186.000ha.
Hai địa phương này được các doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư nguồn lực phục vụ chế biến và xuất khẩu. Việt Nam đang vững tin hướng đến mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000ha, sản lượng 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỉ USD trong năm 2021 này. Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm của ngành tôm thế giới, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.
Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỉ USD vào năm 2045.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng: Con tôm hiện nay vươn lên một tầm cao mới, không chỉ mở rộng về diện tích, mà còn được tập trung đầu tư để trở thành lĩnh vực mũi nhọn của cả ngành Nông nghiệp và nền kinh tế đất nước.
Ngành tôm đang được khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển hiệu quả, bền vững của ngành đề ra, đồng thời cải thiện đời sống của cộng đồng người nuôi tôm và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy vậy, ngành tôm ở Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức do sự biến đổi của khí hậu, môi trường, dịch bệnh. Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu; lĩnh vực sản xuất thủy sản nói chung, ngành tôm Việt Nam nói riêng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Cùng với đó, hội nhập quốc tế đem lại những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong cạnh tranh, nhất là yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng cao. Trong bối cảnh đó, việc chia sẻ thông tin, cập nhật công nghệ mới, ứng dụng các giải pháp tổng thể, từ biện pháp quản lý, khoa học công nghệ đến thương mại là vấn đề cấp bách, quan trọng để hướng đến một ngành tôm phát triển hiện đại và bền vững.
Hướng tới “Đích đến bền vững”
Xuất khẩu tôm đã đạt được con số rất ấn tượng và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngành tôm nước ta vẫn còn đối mặt với nguy cơ phát triển không bền vững do hiệu quả sản xuất còn hạn chế, dẫn đến thu nhập của người nuôi tôm còn thấp; việc phân chia lợi nhuận và trách nhiệm trong chuỗi giá trị con tôm cũng còn bất cập.
Ðồng thời, giá thành sản xuất tôm ở nước ta còn cao so với nhiều nước trên thế giới nên sức ép cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng tăng. Do vậy, tất cả các bên liên quan phải tích cực vào cuộc để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất.
Tăng cường liên kết, thực hiện lựa chọn mô hình nuôi phù hợp từng vùng gắn với kiểm soát tốt chất lượng con giống, thức ăn, chất lượng nước cho ao nuôi và kiểm soát chất thải, mầm bệnh, các tác nhân gây hại…
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: “Những năm qua, công nghệ nuôi tôm của Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, nhưng sức cạnh tranh của sản phẩm vẫn còn hạn chế do giá thành sản xuất cao và điều này cũng khiến người nuôi tôm không có lợi nhuận nhiều.
Hiện giá thành nuôi tôm của Việt Nam đang cao hơn khoảng 30% so với đối thủ cạnh tranh đến từ Ecuador, Ấn Ðộ và Indonesia”. Theo ông Quang, từ năm 2020 về trước, tuy giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn các nước trên 30%, nhưng vẫn cạnh tranh được trong xuất khẩu, tức vẫn có hiệu quả là nhờ vào công nghệ chế biến tôm của doanh nghiệp Việt Nam hiện đại hơn so với các nước.
Thế nhưng, lợi thế công nghệ đó dần mất đi vì Ecuador, Ấn Ðộ và Indonesia cũng đang đổi mới công nghệ, sản xuất được những mặt hàng giá trị gia tăng, hàng ăn liền như Việt Nam và khả năng trong 3-5 năm tới, họ sẽ đuổi kịp Việt Nam.
Nếu chúng ta không có sự cải tiến, không có cách nhìn và tiếp cận mới, thì ngành tôm trong nước sẽ rất khó khăn trong 3-5 năm tới.
Theo ông Trần Ðình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, hạn mặn, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, nguồn con giống chất lượng chưa đảm bảo… là những nguy cơ lớn đối với người nuôi tôm.
Ðể phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương cần quan tâm tổ chức lại sản xuất, phát triển sản phẩm chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường. Chú ý phát huy điều kiện tự nhiên và lợi thế của đối tượng nuôi gắn với việc lựa chọn mô hình nuôi phù hợp.
Ðặc biệt, cần thực hiện tốt vấn đề xử lý nước thải trong phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh. Xây dựng thương hiệu cho từng phương thức nuôi. Phát triển theo hệ thống và chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp là đầu tàu, trụ cột.
Từ năm 2010 đến 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm luôn chiếm ở mức cao, với từ 36,8 đến 50,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm 2020, diện tích nuôi tôm đạt 736.500ha, sản lượng 900.000 tấn, xuất khẩu đạt kim ngạch 3,78 tỉ USD, chiếm khoảng 44,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2021 có thể tăng 15% so với năm 2020, đạt khoảng 4,4-4,5 tỉ USD.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)