Mô hình nuôi lươn không bùn ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Chủ động
Theo đánh giá của các nhà khoa học, trước tác động của BÐKH, giải pháp thích ứng và giảm thiểu đóng vai trò quan trọng đối với cộng đồng địa phương vùng ÐBSCL. Theo đó, các địa phương trong khu vực dần thích ứng, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Không thuần túy là sản xuất lúa gạo như trước đây, các địa phương hướng tới sự đa dạng sản phẩm dựa vào thế mạnh của mình, tình hình tài nguyên cũng như những thách thức chẳng hạn: xâm nhập mặn, sự thay đổi về thị trường… Qua đó, tạo ra những mô hình phù hợp với điều kiện thực tại và hướng tới sự ổn định, bền vững trong tương lai.
Là địa phương cuối nguồn sông Mekong và kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Bến Tre chịu tác động trực tiếp từ BÐKH đến sản xuất, đời sống, tài nguyên thiên nhiên... Ðể chủ động ứng phó BÐKH diễn ra ngày một gay gắt, thời gian qua, Bến Tre đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, cho biết: Tỉnh hoàn thành lắp đặt, vận hành thử nghiệm và đưa vào hoạt động hệ thống quan trắc môi trường, cảnh báo mặn tự động. Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng với BÐKH hiệu quả. Chẳng hạn, mô hình canh tác lúa bắp cho lợi nhuận gấp 2 lần mô hình truyền thống; mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt cho lợi nhuận 25,8 triệu đồng/100m3; mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa cho lợi nhuận gấp 3 lần mô hình truyền thống; mô hình canh tác tôm sú - lúa xen canh tôm càng xanh cho lợi nhuận gấp 2 lần mô hình truyền thống…
Tại TP Cần Thơ, ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, chia sẻ: TP Cần Thơ đã tham gia (năm 2016) mạng lưới chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu để chia sẻ kinh nghiệm và các thách thức nhằm nâng cao khả năng chống chịu về BÐKH. Thành phố điều chỉnh hệ thống cống, xây dựng hệ thống đê bao, tăng cường kênh thủy lợi, duy trì nguồn nước ổn định, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trong nuôi trồng thủy sản, dựa trên những nghiên cứu khoa học, thành phố lựa chọn những loài thủy sản có khả năng thích ứng với BÐKH, triển khai mô hình nuôi trồng tuần hoàn nước, nuôi lươn công nghệ cao… Bên cạnh đó, giai đoạn 2020-2025, UBND TP Cần Thơ và Trường Ðại học Cần Thơ đã ký kết chương trình hợp tác toàn diện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống, cải thiện chất lượng nông thủy sản theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao.
Tăng khả năng thích ứng
Những năm qua, các địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ÐBSCL, mang lại sự thịnh vượng chung cho người dân trong toàn vùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, các chuyên gia, BÐKH ngày càng khó lường, tác động nhanh và mạnh so với dự báo, tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng. Do vậy cần có những giải pháp thích ứng với BÐKH, góp phần giúp vùng ÐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Lý Bình, Khoa Nông nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ, đề xuất: Về mặt tổng thể, vùng ÐBSCL cần hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển nông nghiệp như: vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước mặn… Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm: thủy sản - cây ăn trái - lúa gắn với các tiểu vùng kinh tế. Cùng với đó, triển khai các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác cây ăn trái, nuôi bò sữa hoặc lúa - cá kết hợp… Mặt khác, đào tạo, tập huấn nông dân làm chủ được công nghệ trong canh tác nông nghiệp.
Ông Lâm Văn Tân cho rằng: Các địa phương liên kết trong nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ để thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và giải quyết những vấn đề bức xúc chung của vùng như: hạn hán, xâm nhập mặn… Bên cạnh đó, liên kết, hợp tác với các viện, trường trong vùng xúc tiến việc lập quy hoạch phân vùng chức năng sinh thái. Trên cơ sở đó quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực và từng địa phương theo hướng phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng, hài hòa với thiên nhiên và thích ứng BÐKH. Tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên, môi trường và BÐKH, có cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin sử dụng hiệu quả…
Song song đó, Trường Ðại học Cần Thơ đã tích cực tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa và xã hội của vùng. Giai đoạn 2015-2022, trường thực hiện dự án nâng cấp Trường Ðại học Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khoảng 2.250 tỉ đồng. Trong khuôn khổ dự án, cuối tháng 3 vừa qua, trường đưa vào sử dụng trại giống thủy sản nhằm đáp ứng các hoạt động nghiên cứu khoa học về thủy sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ÐBSCL và cả nước.
Trường Đại học Cần Thơ đang phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp ĐBSCL chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển. Dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ tập trung vào 3 lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng ĐBSCL. Hợp phần thực hiện các chương trình nghiên cứu gồm 36 chương trình nghiên cứu khoa học đã đạt được những kết quả nhất định. Trường chuẩn bị triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật JICA giai đoạn 2 trong thời gian tới về tăng cường liên kết và ứng dụng khoa học thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH...
Bài, ảnh: L. MẪN - (baocantho.com.vn)