Nhiều DN tiên phong
Quy trình sản xuất sạch, đạt chuẩn, tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường đang được Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa áp dụng.
Theo Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), hiện nay nhiều DN ĐBSCL đã nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững. Khi nhận được thông tin Nhà nước sẽ ban hành và thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn liên quan tới vấn đề môi trường, trung bình các DN bỏ ra 7,44% chi phí hoạt động để cải thiện mức độ tuân thủ của mình. Trong khi đó, với những DN nhận được thông tin về giải pháp mềm, đánh giá của tổ chức xã hội có uy tín tại Việt Nam, họ sẵn sàng chi ra khoảng 7,29% chi phí cho các hoạt động cải thiện môi trường.
Nhiều DN xác định quá trình sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với lợi ích cộng đồng; giải quyết công ăn việc làm; bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Đơn cử như: chất lượng dịch vụ, sản phẩm đạt được sự hài lòng cao nhất từ khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư và đạt được sự ổn định, vững bền theo thời gian; đáp ứng kịp thời nhanh chóng nhu cầu xã hội; môi trường sống, làm việc, giải trí, nghỉ ngơi an toàn, an ninh, thân thiện môi trường… Ngay từ buổi đầu khởi nghiệp (năm 2015), Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa xác định giá trị dinh dưỡng, chất lượng từng sản phẩm đảm bảo tốt cho sức khỏe người tiêu dùng luôn là tôn chỉ hoạt động của công ty. Phạm Nghĩa được chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng trong nuôi trồng và sản xuất với quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Tất cả 28 sản phẩm của công ty đều được công bố chất lượng tại cơ quan quản lý chuyên môn trước khi lưu hành trên thị trường. Ngoài việc mang sản phẩm sạch, chất lượng đến với cộng đồng, công ty còn thực thực hiện tốt hoạt động an sinh xã hội: chăm lo tốt cho đời sống nhân viên, công nhân; dành nguồn kinh phí để trao quà, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; hỗ trợ các bệnh nhân nghèo…
DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng ý thức rõ việc thể hiện trách nhiệm đối với xã hội. Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc bán hàng Tập đoàn Shire Oak International, cho biết: Shire Oak International hiện đang phát triển hơn 720 dự án tại Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư ước tính lên đến 1,9 tỉ USD. Thực hiện một phần trong cam kết lâu dài về bảo tồn động vật hoang dã ở tất cả các quốc gia chúng tôi đặt chân đến, Shire Oak International đóng góp một phần lợi nhuận nhằm bảo vệ môi trường sinh thái tại Việt Nam. Hằng năm, chúng tôi sẽ trích ra 1.000 USD trên mỗi MW điện mặt trời được lắp đặt dành cho những nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã. Và dự án Wildfowl & Wetlands Trust (WWT) về bảo vệ Sếu đầu đỏ ở ĐBSCL được coi là bước khởi đầu.
Hướng đến mục tiêu chung
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs) đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2015. SDGs bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững, với 169 chỉ tiêu nhằm chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng, bất công và biến đổi khí hậu cho đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của các DN trong việc thực hiện thành công SDGs bên cạnh vai trò của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững, việc đưa phát triển bền vững vào trọng tâm chiến lược hoạt động kinh doanh hay thực hiện tốt 17 mục tiêu SDGs sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12.000 tỉ USD đến năm 2030.
Để nắm bắt cơ hội này đòi hỏi DN phải thay đổi cả nhận thức và hành động; gắn kết hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình với việc những lợi ích của cộng đồng, bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Anh Vũ, chia sẻ: Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với những tổ chức cùng lý tưởng như Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) để hỗ trợ cộng đồng và góp phần gìn giữ môi trường tự nhiên. Đơn cử, thông qua các chiến dịch CSR, chúng tôi nâng cao nhận thức của học sinh, thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và tận dụng năng lượng sạch vì môi trường và chính bản thân mình. Nhiều chuyên gia đề xuất DN có thể áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào thực tế sản xuất, kinh doanh. Bởi đây là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi DN càng phải sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm, hài hòa cả ba yếu tố: kinh tế - xã hội - môi trường. Ông Phạm Trọng Nghĩa, bộc bạch: Hơn một năm nay, Phạm Nghĩa bắt đầu “bước chân” ra thế giới và ghi nhận thành công ở một số thị trường: Mỹ, Canada, Úc và đang trong giai đoạn chinh phục thị trường Nhật. Đây là những thị trường vô cùng khó tính và khắt khe. Vì vậy, công ty tiếp tục duy trì quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Đồng thời, tập trung cải tiến bao bì theo hướng thân thiện môi trường bằng việc sử dụng mây, tre, nứa để thay bọc ni lông.
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)