Đại diện Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương (Khu công nghiệp Thốt Nốt) thông tin về dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu của đơn vị với lãnh đạo TP Cần Thơ. Ảnh: M.HUYỀN
Ðộng lực phát triển
Trong 5 năm (2016-2020), TP Cần Thơ có thêm 7.115 DN thành phố mới, vốn đăng ký 46.858 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2020, thành phố có khoảng 9.300 DN và 2.050 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn, quy mô vốn bình quân 11 tỉ đồng/DN. Theo nhận định của nhiều DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố, các chính sách hỗ trợ DN của thành phố đã tạo điều kiện rất lớn cho DN gia nhập thị trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cùng với triển khai chủ trương chung của Chính phủ, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành quan tâm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, thông qua cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, thúc đẩy kết nối ngân hàng - DN, gỡ khó kịp thời cho DN. Song song đó, thành phố cũng điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin, phát triển dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhận định: “Trong những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển. PCI luôn trong nhóm Khá, Tốt và nhóm 20 địa phương dẫn đầu về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index)”. Việc cải thiện chỉ số PCI có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực tế, DN cũng đánh giá cáo sự nỗ lực điều hành kinh tế của chính quyền thành phố, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối và thúc đẩy thị trường để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thách thức là vấn đề cấp thiết.
Theo kết quả chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố, trong 5 năm gần đây (2016-2020), Cần Thơ nằm trong nhóm Khá, riêng năm 2019 xếp trong nhóm Tốt. Năm 2020, điểm số và xếp hạng sụt nhẹ so với năm 2019, nhưng một số chỉ số thành phần có điểm số tăng nhẹ. Cụ thể PCI 2020: Chi phí thời gian đạt 8,43 điểm (PCI 2019 đạt 7,99 điểm), Chi phí không chính thức 6,82 điểm (PCI 2019 đạt 6,57 điểm), Cạnh tranh bình đẳng 8,3 điểm (PCI 2019 đạt 6,11 điểm), Chi phí gia nhập thị trường 7,01 điểm (PCI 2019 đạt 6,51 điểm)… Các chỉ số này phản ánh DN đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố đã cải thiện hơn. Do thời gian đăng ký kinh doanh, hoàn tất hồ sơ, thủ tục của DN được rút ngắn hơn, DN ít phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục hồ sơ; môi trường cạnh tranh cũng bình đẳng hơn giữa khối DN tư nhân và DN FDI… Ðây là động lực để thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn tới.
Tạo chuyển biến về chất
Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố đã tiếp nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực đến tìm hiểu đầu tư. Trong 4 tháng đầu năm 2021, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 510 DN các loại hình, tổng vốn đăng ký 6.388 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số DN đăng ký mới tăng 17,5% và số vốn đăng ký tăng 2,6 lần. Chấp thuận 1 dự án đầu tư trong nước, vốn đầu tư 539 tỉ đồng (dự án Căn hộ chung cư cao cấp Thiên Quân - Marina Plaza). Ðến nay, thành phố có 111 dự án đang thực hiện, tổng vốn đầu tư theo chủ trương trên 117.639 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng cấp mới 1 dự án FDI (Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, vốn Nhật Bản), vốn hơn 1,31 tỉ USD. Nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 85 dự án, vốn đăng ký đầu tư khoảng 2 tỉ USD; vốn thực hiện đạt trên 513,6 triệu USD, đạt 25% tổng vốn đăng ký.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng cho rằng, để thu hút những nhà đầu tư lớn, ngoài cải thiện môi trường đầu tư, thành phố cần tập trung vào các khía cạnh nhà đầu tư quan tâm. Cụ thể là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng giao thông. Thành phố cần có sự kết nối và tận dụng lợi thế của hành lang công nghiệp - đô thị với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng ÐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tận dụng mạng lưới sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Song song đó, Trung tâm Logistics hạng II trên địa bàn thành phố cần được nhanh chóng hoàn thiện, giúp nhà đầu tư giảm áp lực chi phí vận chuyển hàng hóa. Cần Thơ có tiềm lực phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thành phố nên xây dựng chính sách ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực này. Ðồng thời hoàn thành sớm quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bởi một báo cáo quy hoạch tốt chính là lời mời gọi đầu tư hiệu quả nhất.
Cùng với nỗ lực của chính quyền, thì DN cũng phải có tầm nhìn dài hạn cho các cuộc cạnh tranh mới. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ, cho biết: “Vấn đề xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường của DN đang rất khó khăn. Thương hiệu là yếu tố quan trọng đối với việc kinh doanh cả ở thị trường nội địa cũng như quốc tế. Nhưng để người tiêu dùng biết đến thương hiệu và đứng vững trên thị trường đòi hỏi DN nỗ lực rất nhiều về thời gian, công sức và chi phí. DN cần liên kết để xây dựng thương hiệu ngành hàng, vừa giúp tập hợp công sức và giảm chi phí, mà một DN đơn phương nhiều khi không đủ điều kiện để làm”. Tuy nhiên, theo bà Thuận vấn đề ở đây là liệu các DN có thống nhất về việc hợp tác hay không. Chỉ có hợp tác mới tạo nên sự đổi mới và vững vị thế cạnh tranh.
GIA BẢO - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)