Xúc tiến đầu tư trực tuyến Giải pháp vượt khó trong đại dịch

Thứ bảy, 05 Tháng 6 2021 14:26 (GMT+7)
Bùng phát của đại dịch COVID-19 diễn ra tại nhiều nước, các hoạt động xúc tiến đầu tư (XTÐT) trực tiếp gần như không thể thực hiện được theo kế hoạch. Ðể phù hợp với tình hình dịch bệnh, cũng như nhiều tỉnh, thành, TP Cần Thơ đã thay đổi phương thức XTÐT từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến, đặc biệt chú trọng vào thị trường trọng điểm, trong đó có các đối tác ở Nhật Bản.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến giữa TP Cần Thơ với tỉnh Hiroshima.
 
Duy trì kết nối
 
Năm 2020 là một năm khó khăn đối với các lĩnh vực nói chung và xúc tiến thương mại nói riêng với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia và thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Hoạt động XTÐT tại TP Cần Thơ bị ảnh hưởng rất nhiều. Hầu hết hoạt động XTÐT xúc tiến thương mại đều bị ảnh hưởng, một số gần như “đình trệ”. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng TP Cần Thơ đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động XTÐT, trong đó đẩy mạnh các hoạt động XTÐT trực tuyến.
 
Mới đây, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với ông IDEI Futoshi, Giám đốc Ban Môi trường, Phòng Thương mại Quốc tế, Sở Lao động Công Thương tỉnh Hiroshima, Nhật Bản, nhằm trao đổi thông tin, nhu cầu thực tế tiến đến mở rộng hợp tác trong lĩnh vực môi trường và một số lĩnh vực. Cuộc họp do ông IDEI Futoshi chủ động đề xuất để lãnh đạo tỉnh Hiroshima và TP Cần Thơ thúc đẩy triển khai những nội dung trong Bản ghi nhớ được ký kết năm 2017 về việc hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp làm sạch môi trường giữa Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng và Cục Lao động- Công thương của tỉnh Hiroshima.
 
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, 4 tháng đầu năm 2021, thành phố duy trì được tốc độ phát triển; sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá. Hiện nay, TP Cần Thơ có 7 dự án có vốn đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,3 tỉ USD. Ðặc biệt, ngày 8-2-2021, TP Cần Thơ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II có công suất thiết kế 1050MW với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,3 tỉ USD. Mục tiêu xây dựng nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia. Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để góp phần phát triển kinh tế xã hội của TP Cần Thơ và khu vực ÐBSCL.
 
Hơn một năm qua, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Cần Thơ vẫn nỗ lực, cố gắng thường xuyên liên tục giữ mối quan hệ với các đối tác Nhật Bản bằng các hoạt động trao đổi thông tin, tổ chức các buổi làm việc trực tuyến. Ðặc biệt, Văn phòng JAPAN DESK Cần Thơ duy trì hoạt động cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm, tìm hiểu môi trường đầu tư. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang khu vực Ðông Nam Á, TP Cần Thơ hy vọng sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt là ở các lĩnh vực: công nghệ chế biến nông thủy sản, các lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp phụ trợ, du lịch, môi trường.
 
Thúc đẩy hợp tác
 
Tại cuộc trao đổi với đối tác Hiroshima, TP Cần Thơ đã kêu gọi đầu tư 2 dự án về quản lý chất thải rắn là: Dự án đầu tư xử lý triệt để và ngăn ngừa tái phát ô nhiễm tại Bãi rác xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ và phường Phước Thới, quận Ô Môn; Dự án đầu tư các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt ở các quận, huyện. Tiếp tục xem xét triển khai các hoạt động liên quan đến thực hiện mô hình “xã hội hóa cacbon thấp”. Ðồng thời tăng cường hoạt động trao đổi, thúc đẩy đổi mới theo hướng giảm phát thải khí nhà kính với TP Cần Thơ.
 
Về du lịch, thành phố giới thiệu nhà đầu tư có quan tâm đến 2 đề án: Bảo tồn và phát huy Chợ nổi Cái Răng, dự án Bến tàu du lịch. Bên cạnh đó, đề nghị phía Hiroshima hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực y tế, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến; hỗ trợ cung cấp thông tin các học bổng, các chương trình giao lưu, trao đổi tại Nhật Bản dành cho giảng viên và sinh viên của TP Cần Thơ. Thông tin đến đối tác, ông Nguyễn Thực Hiện cho biết, TP Cần Thơ dự kiến tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư dành cho doanh nghiệp Nhật Bản vào quý III năm 2021, nếu có thể đề nghị phía Hiroshima sắp xếp tham dự. Ðồng thời, giới thiệu, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng của Nhật Bản nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thuộc Khu Công nghiệp Hưng Phú 1, quận Cái Răng (khu đất khoảng 30ha).
 
Ông IDEI Futoshi, Giám đốc Ban Môi trường, Phòng Thương mại Quốc tế, Sở Lao động Công Thương tỉnh Hiroshima, Nhật Bản, cho rằng, để hai bên trao đổi, xúc tiến các dự án hợp tác có hiệu quả nên 3 tháng/lần có cuộc họp như này. Hiroshima sẽ dựa vào những đề xuất phía Cần Thơ để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp để giới thiệu hoặc đưa ra phương án phù hợp nhất cho thành phố. Ðồng thời cam kết sẽ nỗ lực kết nối, giới thiệu nhà đầu tư tiềm năng tại Hiroshima cũng như Nhật Bản về các dự án thành phố mời gọi đầu tư.
 
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh, TP Cần Thơ luôn nỗ lực trong việc kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư. Với niềm tin vào sự hợp tác, góp sức của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự quảng bá về hình ảnh môi trường đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã và đang hoạt động kinh doanh tại Cần Thơ sẽ giúp thành phố có cơ hội nhiều hơn trong thu hút đầu tư; góp phần thu hút nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển thành phố ngày càng phát triển.
 
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định ưu tiên phát triển các ngành gồm: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.
Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, đánh giá, việc hai nước cùng tham gia những hiệp định này tạo rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mở rộng hợp tác thương mại song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những triển vọng hợp tác cùng gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
 
Bài, ảnh: KHÁNH NAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế