Tăng cơ hội thu hút đầu tư vào quận Ninh Kiều

Chủ nhật, 13 Tháng 6 2021 15:50 (GMT+7)
UBND quận Ninh Kiều vừa phối hợp Sở Xây dựng TP Cần Thơ công bố Ðồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ninh Kiều đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch định hướng cho Ninh Kiều phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm của TP Cần Thơ; nhất là đẩy mạnh thu hút các dự án thương mại, dịch vụ, khu đô thị, khu dân cư, nhà cao tầng trong thời gian tới. Đồ án quy hoạch cũng nhằm mục đích cải tạo khu vực đô thị hiện hữu của Ninh Kiều thêm phần khang trang, hiện đại.
Quy hoạch Ninh Kiều xây dựng nhà cao tầng tạo điểm nhấn tại vị trí cặp sông Cần Thơ.
Quy hoạch Ninh Kiều xây dựng nhà cao tầng tạo điểm nhấn tại vị trí cặp sông Cần Thơ.
 
Quy hoạch phân khu quận Ninh Kiều có diện tích khoảng 2.923,33ha; dân số đến năm 2030 là 305.000 người, năm 2050 là 310.000 người. Đây là một phần quan trọng của Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều - Bình Thủy thuộc Khu đô thị trung tâm TP Cần Thơ; hạt nhân của thành phố trong quá trình hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, ngân hàng, tài chính, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa của vùng ĐBSCL. Quận Ninh Kiều phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
 
Không gian quận Ninh Kiều được phân ra 4 khu chức năng để kiểm soát phát triển:
 
- Khu vực tiếp giáp sông Hậu, khu vực tiếp giáp sông Cần Thơ, khu vực trung tâm hiện hữu và khu vực đô thị phát triển mới. Khu vực tiếp giáp sông Hậu (phân khu 1): gồm cồn Cái Khế và Cồn Khương (phường Cái Khế), diện tích khoảng 668,49ha; chức năng là khu vực phát triển đô thị, dịch vụ du lịch sinh thái gắn với cảnh quan sông nước, các nhóm nhà ở, Trung tâm văn hóa - thể dục thể thao thành phố…
 
- Khu vực tiếp giáp sông Cần Thơ (phân khu 2), giới hạn đường 30-4, Hòa Bình (phường Tân An, Hưng Lợi), diện tích khoảng 368,47ha; chức năng là trung tâm đô thị hiện hữu truyền thống phát triển lâu đời, gắn với đặc trưng văn hóa, lịch sử, Trung tâm chính trị - hành chính cấp quận…
 
- Khu vực trung tâm hiện hữu và lớn nhất (phân khu 3), diện tích khoảng 1.417,62ha (phường An Phú, Xuân Khánh, An Bình, An Khánh, An Hòa, Thới Bình, An Nghiệp…); chức năng là khu đô thị trung tâm hiện hữu có mật độ xây dựng cao kết hợp các hoạt động thương mại dịch vụ sầm uất, trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế cấp quận, thành phố và cấp vùng. Đây cũng là khu đô thị tiếp giáp với không gian phát triển của quận Bình Thủy và có sự kết nối chặt chẽ về không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông và các khu chức năng đô thị…
 
- Khu vực đô thị phát triển mới - phân khu 4 (phường An Bình, tiếp giáp quận Bình Thủy, huyện Phong Điền), diện tích khoảng 458,15ha; chức năng là khu vực đô thị phát triển mới của quận, tạo gắn kết giữa khu đô thị trung tâm của quận với các khu vực lân cận.
 
Theo đơn vị tư vấn lập đồ án, trong quy hoạch được duyệt đơn vị có đề xuất xây dựng các nhà cao tầng (khoảng 20-30 tầng) để tạo điểm nhấn cho quận Ninh Kiều và TP Cần Thơ. Vị trí quy hoạch xây dựng tại khu vực cồn Cái Khế, trục đường Châu Văn Liêm (khu vực gần công viên Lưu Hữu Phước), đường Nguyễn Văn Cừ. Những khu vực này còn quỹ đất để xây dựng các nhà cao tầng trong tương lai, hiện một số nhà đầu tư cũng có xu hướng đầu tư xây dựng cao tầng. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng quan tâm quy hoạch giao thông kết nối trong khu vực quy hoạch và kết nối Ninh Kiều với các địa phương lân cận.
 
Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Nguyễn Thái Bảo cho biết: Sau buổi công bố, UBND quận giao các ngành chức năng quận tiếp tục tăng cường phổ biến đồ án Quy hoạch phân khu quận Ninh Kiều đến người dân bằng nhiều hình thức như: trên cổng thông tin điện tử quận, tại trụ sở các phường, đài truyền thanh… nhằm đảm bảo triển khai thực hiện quy hoạch mang lại hiệu quả. Phòng Quản lý Đô thị quận phối hợp đơn vị tư vấn in bản đồ quy hoạch, để quận thuận tiện trong giới thiệu với các đơn vị, nhà đầu tư đến tìm hiểu triển khai dự án trên địa bàn quận. Đồ án Quy hoạch phân khu quận Ninh Kiều đã được phê duyệt, bước tiếp theo quận cũng sẽ lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch chi tiết trên địa bàn quận.
 
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ Huỳnh Văn Sáu cũng cho biết: Theo định hướng Quy hoạch chung của TP Cần Thơ, quận Ninh Kiều nằm trong khu đô thị truyền thống Ninh Kiều - Bình Thủy. Theo đồ án Quy hoạch phân khu quận Ninh Kiều đã được UBND thành phố phê duyệt thì chủ yếu là cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu, giải quyết các vướng mắc mà những quy hoạch trước đây đã không còn phù hợp, nghiên cứu điều chỉnh lại, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch quận để làm cơ sở quản lý. Cải tạo chỉnh trang, đồng thời phát triển các công trình hiện có như: một số công trình khu vực cồn Cái Khế, khu vực Trường Đại học Cần Thơ, các cụm bệnh viện, Trường Đại học Y dược ở đường Nguyễn Văn Cừ, các cụm cơ quan, trụ sở thương mại trong khu vực… Ngoài ra, mở rộng hạ tầng cũng như là định hướng khung tuyến giao thông chính có tính kết nối. Chẳng hạn như đường Nguyễn Hiền từ Khu dân cư 91B quy hoạch nối lên đường vành đai phía Tây, đến Mỹ Khánh và hướng ngược lại nối đến Hồ Bún Xáng, ra cầu Rạch Ngỗng, tuyến đường này kết nối với đường Hoàng Quốc Việt, qua quốc lộ 91B, ngang khu dân cư Thới Nhựt, đến Võ Văn Kiệt, tạo thành những khung mạng giao thông trên cơ sở hiện trạng. Một số trục công viên dọc sông Cần Thơ, sông Hậu, thành phố cũng đang nghiên cứu kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng công viên kết hợp các dịch vụ thương mại bù đắp chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra; các công viên này tạo ra hình ảnh Ninh Kiều khang trang, hiện đại.
 
Theo ông Huỳnh Văn Sáu, để triển khai thực hiện đồ án Quy hoạch phân khu quận Ninh Kiều, thời gian tới Sở Xây dựng cùng với UBND quận sẽ thực hiện các nội dung chính như: rà soát các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 đã được duyệt để đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ cho phù hợp đồ án Quy hoạch phân khu, quận xem xét lập kế hoạch thực hiện các quy hoạch chi tiết tại các khu vực có nhu cầu quản lý cao, Sở Xây dựng hướng dẫn quận lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc theo quy định của Luật Kiến trúc. Trong quá trình thực hiện đồ án này, quận cần chủ động phối hợp với Sở Xây dựng để đề xuất tháo gỡ, giải thích các nội dung vướng mắc phát sinh, điều chỉnh cục bộ quy hoạch cho phù hợp.
 
Bài, ảnh: ANH KHOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế