Xoài cát Hòa Lộc là sản phẩm nông nghiệp nổi bật của huyện Châu Thành A, nhiều người dân đã chuyển sang trồng theo hướng VietGAP. Ảnh: TRUNG QUÂN
Bài 1: Xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại
Trong những năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại Hậu Giang được triển khai thành công, mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân, trong đó lĩnh vực trồng trọt chiếm ưu thế so với chăn nuôi và thủy sản !
Hạn chế thấp nhất điệp khúc “được mùa, mất giá”…
Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có 10 sản phẩm trồng trọt đạt tiêu chuẩn GAP, với diện tích sản xuất là 213,7ha. Trong đó, sản phẩm chanh không hạt và dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với 17ha, còn lại đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tổng sản lượng nông sản đạt chuẩn dự kiến khoảng 4.400 tấn mỗi năm. Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm đang trong giai đoạn làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn hoặc từng đạt chuẩn nhưng đã hết hiệu lực.
Sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP có nhiều lợi thế và luôn được đánh giá cao trên thị trường. Là một người nội trợ, chị Trần Hoàng Bích, ở khu vực 5, phường VII, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Mặc dù không biết rõ VietGAP, GlobalGAP là như thế nào nhưng tôi nghe nói nó an toàn, không phân thuốc hóa học, tốt cho sức khỏe. Nên khi đi mua thực phẩm cho gia đình, tôi hay ưu tiên mua những sản phẩm này”. Có thể thấy, làm nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP đã nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng hiện đại. Do đó, có sức mua và khả năng cạnh tranh hơn so với những sản phẩm được trồng theo kiểu truyền thống.
Nông sản GAP còn có đầu ra ổn định với giá cả cao hơn so với các sản phẩm cùng loại. Mấy tháng gần đây, trong khi nhiều người trồng xoài cát Hòa Lộc ở Châu Thành A lao đao vì điệp khúc “trúng mùa rớt giá”, thì xã viên Hợp tác xã (HTX) xoài Bảy Ngàn vẫn thu về lợi nhuận khá. Nhờ trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, tất cả sản phẩm của hợp tác xã đều được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hòa Lộc RR (Tiền Giang) thu mua với mức giá cao và ổn định.
Thực hành nông nghiệp tốt là sản xuất theo hướng an toàn, chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu làm đất, chọn cây giống, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản… tất cả quy trình được ghi chép lại cẩn thận. Do đó, người nông dân hạn chế được việc phải đối mặt với một số nguy cơ như dịch bệnh tấn công hay sốc thuốc do sử dụng các chất hóa học. Đó là những lợi thế rất lớn giúp nâng tầm nông sản, là động lực để ngày càng có nhiều hợp tác xã và các hộ nông dân tham gia vào hình thức sản xuất này.
Được quan tâm đầu tư, hỗ trợ
Theo bà Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang: Trong thời gian qua, sở đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiều dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt là xây dựng chuẩn cho một số loại nông sản chủ lực của tỉnh như mít, xoài, khóm, chanh và một số loại rau màu.
Như trong năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã xét duyệt và tiến hành thực hiện 2 dự án: Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít (Artocarpus heterophyllus Lam) đạt tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain tại tỉnh Hậu Giang; Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain tại tỉnh Hậu Giang. Đây là những sự trợ lực lớn, thể hiện sự quan tâm của tỉnh dành cho việc sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP.
Ở cấp huyện, nhiều dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP cũng đã và đang được triển khai. Điển hình là Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh (Citrus maxima) đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang” được thực hiện tại HTX Tiến Nông thuộc ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ đã giúp 20ha bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hay dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh khóm ở Hậu Giang” đang được thực hiện tại xã Tân Tiến và xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, đều là những dự án có sự hỗ trợ về kinh phí, về kỹ thuật từ các ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Xoài cát Hòa Lộc trồng theo hướng VietGAP của Hợp tác xã xoài Bảy Ngàn được công ty thu mua với giá cao và ổn định.
Bắt đầu thử nghiệm trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Phan Trọng Tính, ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A rất phấn khởi vì được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh hỗ trợ 200 cây giống và kỹ thuật trồng trọt. Càng mừng hơn khi anh được cho biết là dự án sẽ hỗ trợ người nông dân về đầu ra của sản phẩm với giá cả ổn định. Đây là động lực rất lớn để anh Tính và nhiều nông dân khác tự tin áp dụng chuẩn GAP trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, cho biết: “Thông qua các hoạt động khuyến nông và các dự án khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP như tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức, ứng dụng vào thực tế sản xuất. Hỗ trợ một phần giống, vật tư, hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP lần đầu cho các mô hình như bưởi Năm Roi, cam sành, chanh không hạt, quýt đường, lúa,… Xúc tiến thương mại hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản”. Đó là cơ sở giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP ngày càng phát triển.
10 sản phẩm trồng trọt đạt tiêu chuẩn GAP
Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có 10 sản phẩm trồng trọt đạt tiêu chuẩn GAP, với diện tích sản xuất là 213,7ha. Trong đó, sản phẩm chanh không hạt và dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với 17ha, còn lại đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tổng sản lượng nông sản đạt chuẩn dự kiến khoảng 4.400 tấn mỗi năm. Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm đang trong giai đoạn làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn hoặc từng đạt chuẩn nhưng đã hết hiệu lực.
|
Thông tin chung về VietGAP và GlobalGAP
VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là tiêu chuẩn về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được ban hành bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Việt Nam. GlobalGAP (Global Good Agricultural Practices) nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên toàn thế giới. GlobalGAP là tiền thân của VietGAP. Các tiêu chuẩn này dành cho các sản phẩm thuộc nhóm ngành trồng trọt, thủy sản hoặc chăn nuôi. Một sản phẩm muốn đạt chuẩn GlobalGAP thì cần đáp ứng được 252 tiêu chuẩn. Trong khi đó, các nông sản đạt chuẩn VietGAP chỉ cần phải thông qua 70 tiêu chí.
|
Bài, ảnh: ĐANG THƯ - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)