Bến Tre tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Thứ ba, 10 Tháng 5 2022 09:29 (GMT+7)
Để nâng cao giá trị hàng nông sản, tăng lợi nhuận cho người nông dân, hiện nay, tỉnh Bến Tre đang xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với chế biến sâu. Hoạt động này đã đem lại hiệu quả thiết thực, là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp.
 
Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 100 tổ hợp tác và 55 hợp tác xã đã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Trong đó, chuỗi dừa đã hình thành 47 Tổ hợp tác, 27 Hợp tác xã với quy mô hơn gần 5.200ha, thu hút trên 6.500 thành viên.
 
Chuỗi bưởi da xanh đã hình thành 32 Tổ hợp tác và 9 Hợp tác xã, với diện tích hơn 542ha. Ngoài ra, Bến Tre còn có chuỗi chôm chôm với quy mô diện tích khoảng 375ha, chuỗi nhãn với diện tích gần 99ha và chuỗi cây giống, hoa kiểng 54ha. Riêng chăn nuôi đã có hơn 10.000 con heo, 1.600 con bò và 243ha tôm biển tham gia mô hình liên kết đầu vào – ra giữa nông dân và doanh nghiệp.
 
Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, nhiều diện tích được xác nhận quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đã nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa và đầu ra thuận lợi.
 
Dừa là một trong các loại cây trồng ở tỉnh Bến Tre được áp dụng mạnh mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi
 
Thời gian tới, tỉnh Bến Tre tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo ra thêm nhiều sản phẩm trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các tác nhân các khâu trong chuỗi. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh.
 
Trái chôm chôm tại huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre đang tham gia mô hình liên kết sản xuất
 
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Bến Tre, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này để nâng cao giá trị hàng hóa theo hướng xuất khẩu.
 
“Nông dân tỉnh Bến Tre có diện tích đất sản xuất rất nhỏ. Để phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi phải có sự liên kết để xây dựng một vùng sản xuất tập trung. Khi đó sẽ áp dụng quy trình canh tác phù hợp, đồng nhất như vậy sẽ cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đồng nhất về mẫu mã sản phẩm. Để làm được điều này thì các hộ dân phải liên kết xây dựng thành các Tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm”, ông Đoàn Văn Đảnh cho biết thêm./.
 

Bài viết mới nhất của Kinh tế