Tiền Giang: Nông dân phấn khởi vì tôm nguyên liệu được giá

Chủ nhật, 22 Tháng 5 2022 15:24 (GMT+7)
Tôm nguyên liệu tại Tiền Giang tăng giá là do đầu vụ nuôi tôm mới trong năm 2022 có nguồn cung chưa nhiều trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như chế biến xuất khẩu khá lớn.
 
Tien Giang: Nong dan phan khoi vi tom nguyen lieu duoc gia hinh anh 1
Trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
 
Hiện nay, nông dân vùng nuôi thủy sản nước mặn, lợ tại huyện cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) phấn khởi khi tôm nguyên liệu đang có giá, mang lại cho người dân một nguồn thu nhập khá sau đại dịch COVID-19.
 
Theo ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao Tuấn Hiền tại xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, giá tôm thẻ tại địa phương hiện dao động trong khoảng từ 95.000- 105.000 đồng đối với kích cỡ 100 con/kg, 123.000-128.000 đồng/kg đối với kích cỡ 50 con/kg.
 
Loại tôm thẻ lớn, cỡ 30 con/kg có giá khoảng 170.000 đồng/kg, tôm cỡ 20 con/kg có giá từ 230.000 đồng/kg trở lên. Nhìn chung, giá tôm thẻ hiện nay tăng hơn từ 20.000-25.000 đồng/kg tùy loại so với cùng kỳ năm trước.
 
Với 5 trang trại nuôi tôm công nghệ cao có tổng diện tích mặt nước khoảng 30ha; trong đó khai thác đưa vào nuôi thương phẩm khoảng 6ha mặt nước, mỗi năm, doanh nghiệp của ông Ngô Minh Tuấn đạt sản lượng tôm nguyên liệu cung ứng thị trường trên 250 tấn.
 
Ông Ngô Minh Tuấn đánh giá tôm thẻ năm nay có giá bởi nhiều yếu tố; trong đó khả năng đầu vụ nuôi tôm mới trong năm 2022 nguồn cung chưa nhiều trong khi nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước cũng như chế biến xuất khẩu khá lớn.
Đây thực sự là một tin vui cho nghề nuôi tôm nước mặn, lợ ở huyện cù lao Tân Phú Đông, hứa hẹn triển vọng phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, bù đắp cho những thiệt hại đối với sản xuất, đời sống bởi dịch bệnh vừa qua.
 
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phú Đông - ông Bùi Thái Sơn cho biết, Tân Phú Đông là một trong những vùng nuôi thủy sản nước mặn, lơ lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt là phát triển các mô hình nuôi tôm thẻ thích ứng biến đổi khí hậu ở ven biển Gò Công (Tiền Giang), giúp nhân dân địa bàn khó khăn ổn định sản xuất và đời sống.
 
Từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương đã đưa gần 5.000ha mặt nước vào nuôi thủy sản mặn, lợ, tăng gần 2.500ha so với cùng kỳ năm trước, đạt 67% chỉ tiêu cả năm; trong đó, có 610ha nuôi tôm công nghiệp, 4.350ha tôm nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến, còn lại là thủy sản khác.
 
Trước mắt, người dân đã thu hoạch đầu vụ được 3.500 tấn sản phẩm, tăng hơn 500 tấn so với cùng kỳ năm trước.
 
Ông Bùi Thái Sơn đánh giá tôm thẻ nguyên liệu có giá nên nông dân rất phấn khởi, tích cực đầu tư chăm sóc, áp dụng khoa học công nghệ thâm canh nhằm giành một vụ mới bội thu. Là thế mạnh kinh tế quan trọng của huyện cù lao hạ lưu sông Tiền, con tôm thẻ đang giúp nông dân nơi đây vượt qua khó khăn, tạo dựng nên cơ nghiệp./.
 
 

Bài viết mới nhất của Kinh tế