Phát triển mô hình canh tác lúa - tôm

Thứ tư, 21 Tháng 9 2022 23:12 (GMT+7)
Nhiều năm nay, ông Phạm Văn Lước (ngụ xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đã chủ động sản xuất theo cách "thuận thiên" và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Gia đình ông Lước có diện tích sản xuất theo mô hình lúa - tôm khoảng 2 ha. Trong đó, khoảng 7.000 m2 trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng; diện tích còn lại, sau khi thu hoạch lúa, ông Lước dẫn nước mặn vào nuôi tôm.
 
"Trước đây, tôi chỉ trồng lúa nhưng có năm cũng mất mùa do nước mặn tràn vào. Khoảng vài năm trở lại đây, tôi tận dụng nước mặn nuôi tôm, cho thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng. Rất nhiều bà con ở đây áp dụng mô hình này" - ông Lước nói.
 
Phát triển mô hình canh tác lúa - tôm - Ảnh 1.
Mô hình sản xuất lúa - tôm giúp nhiều nông dân ĐBSCL thu nhập ổn địnhẢnh: Ngọc Trinh
 
Trà Vinh có khoảng 2.000 ha canh tác theo mô hình lúa - tôm, tập trung chủ yếu tại các xã: Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành), Ðôn Xuân, Ðôn Châu (huyện Duyên Hải) và một phần của xã Vinh Kim (huyện Cầu Ngang).
Mô hình lúa - tôm hiện chiếm khoảng 30% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của ĐBSCL. Toàn vùng hiện có 8 tỉnh áp dụng hệ thống canh tác lúa - tôm trong cơ cấu sản xuất hằng năm gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An và Tiền Giang. 
 
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, mô hình lúa - tôm của Việt Nam được Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), các nước ASEAN đánh giá cao vì không phải nơi nào cũng làm được. Vì vậy, ông Luân khuyến cáo trong tích hợp không gian mỗi địa phương, các tỉnh cần tính toán kỹ những vùng nuôi trồng lúa - tôm để từ đó ra được cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng, liên kết và ứng dụng khoa học để phát triển bền vững.
 

Bài viết mới nhất của Kinh tế