Vụ Công ty An Đông, Tân Hoàng Minh gây mất niềm tin của nhà đầu tư

Thứ năm, 20 Tháng 10 2022 23:24 (GMT+7)
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan gây nhiều hệ lụy với việc phát triển bền vững thị trường vốn
 
Ngày 20-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
 
Trong báo cáo, Thủ tướng nêu rõ bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn đến từ trong và ngoài nước, tuy nhiên năm 2022, Việt Nam vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
 
Vụ  Công ty An Đông, Tân Hoàng Minh gây mất niềm tin của nhà đầu tư - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo trước Quốc hội
 
Bức tranh kinh tế Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ nêu bật qua những con số về tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,99%, công nghiệp và xây dựng đạt 9,44%, dịch vụ đạt 10,57%; khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỉ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỉ USD...
 
Bên cạnh những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cũng nêu rõ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.
 
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra. Theo Ủy ban Kinh tế, thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh và chia sẻ vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế với thị trường tiền tệ song có nhiều biến động.
 
Vừa qua, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.
Vụ  Công ty An Đông, Tân Hoàng Minh gây mất niềm tin của nhà đầu tư - Ảnh 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
 
Theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đề nghị có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn.
 
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng "đẩy giá" gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng.
 
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu rõ một số ý kiến cho rằng việc điều hành, quản lý nhà nước đối với các thị trường này còn "chuyển trạng thái đột ngột", đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
 
Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.
 
Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5%- 6%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1% - 1,5%...
 
Đối với các chỉ tiêu chủ yếu, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân năm 2023 là 4,5%. Với áp lực lạm phát dự kiến sẽ ở mức cao trong năm 2023, cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ cần lưu ý các thách thức khi thực hiện chỉ tiêu này.
 
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt hơn và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát.
 
Minh Chiến - Thế Dũng (nld.com.vn)
 

Bài viết mới nhất của Kinh tế