Bất chấp lời can ngăn của mẹ, cô cử nhân kế toán ở Cần Thơ quyết tâm chọn nuôi cá Koi để phát triển kinh tế gia đình và thu bộn tiền mỗi năm.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (29 tuổi, ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) sinh ra trong gia đình có ba mẹ là giáo viên. Ngân là con đầu trong gia đình có hai chị em.
Tốt nghiệp đại học Tây Đô với tấm bằng cử nhân kế toán, Ngân xin vào làm cho một garage ở TP. Cần Thơ với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng.
Cá Koi trong trại của chị Ngân.
Tuy nhiên, sau 2 năm, nhận thấy cơ hội để phát triển nghề nghiệp không nhiều khi lương thấp, môi trường làm việc áp lực, chỗ làm xa nhà, Ngân bắt đầu suy nghĩ nhiều tương lai và trăn trở về hướng phát triển kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân - người gác bằng cử nhân để nuôi cá Koi.
Sau khi tìm hiểu, tham khảo thị trường, để ý thấy nghề nuôi cá Koi có nhiều tiềm năng và mang lại lợi nhuận ổn định, chị Ngân đã mạnh dạn từ bỏ công việc kế toán và quyết tâm nuôi loài cá này.
“Lúc nghe tôi nói nghỉ việc để nuôi cá Koi, mẹ ruột không ủng hộ vì sợ con gái thất bại. Còn bạn bè, hàng xóm thì xì xào ngờ vực, vì cá Koi còn khá xa lạ với người dân chỗ tôi ở”, chị Ngân nhớ lại.
Ngân tâm sự thêm, ở quê ít có ai học 4 năm đèn sách đại học lại gác bằng cử nhân để về nhà nuôi cá. Bất chấp mọi lời khuyên, cô cử nhân kế toán vẫn khởi nghiệp với con cá Koi.
Năm 2017, chị Ngân rút hết tiền tích lũy được 80 triệu đồng để mua cá bột về nuôi. “Đó là số tiền mà vợ chồng tôi tích lũy trong nhiều năm. Nói thật giờ nghĩ lại vẫn thấy tôi quá liều khi đầu tư vào nuôi loài cá mà chưa có kinh nghiệm gì”, chị Ngân cười.
Cá trong trại của chị Ngân chủ yếu là chép Koi và Koi bướm.
Do không có kinh nghiệm, không am hiểu nhiều kỹ thuật, chị chỉ tìm tìm hiểu cách nuôi trên mạng và “tầm sư” ở một vài trại nuôi nên thời gian đầu không quản lý được nguồn nước, độ pH chưa tốt, cộng với nhiệt độ thay đổi liên tục nên cá bị hao hụt.
“Ban đầu, mình mua cá bột về thả nuôi trong bể bạc, bể composite nên độ pH không ổn định, thời tiết nắng mưa thất thường làm cá bị sốc nước chết hàng loạt. Lúc đó tôi lo lắm, như ngồi trên đống lửa. Ngày nào tôi cũng ra túc trực ngoài bể để theo dõi, chăm sóc từng con cá”, chị Ngân nhớ lại.
Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, cô gái Cần Thơ đã nuôi thành công đàn cá Koi.
Chị Ngân chia sẻ, muốn cá Koi phát triển khoẻ mạnh, người nuôi phải am kỹ thuật và tập tính của loài này. Theo đó, nước nuôi cá được lấy từ sông, sau đó được đưa vào hầm chứa để xử lý; nước phải ấm, đột pH từ 7,3-7,5 và phải dưỡng cá bằng cách rải muối và viên sủi C.
Trong bể nuôi phải có hệ thống tạo dòng chảy để cá Koi hoạt bát.
Còn để cá tăng màu sắc, phải cho ăn thức ăn có độ đạm cao, khoảng 43 độ đạm. “Cá Koi thường bị nhiễm bệnh đỏ mình, nấm. Muốn cá khỏe phải trộn kháng sinh vào thức ăn cho chúng ăn. Lúc nước trong bể nuôi lạnh, độ pH giảm mình phải thay nước để nước ấm dần lên. Đặc biệt, trong bể nuôi phải có hệ thống tạo dòng chảy để cá Koi hoạt bát, lanh lẹ hơn”, chị Ngân nói.
Ngân chia sẻ thêm, hiện trại của chị nuôi hai dòng cá là chép Koi và Koi bướm. Cá từ 100-200/con/kg có giá 280.000 đồng/kg; cá từ 10-15 con/kg giá 350.000 đồng/kg; cá Koi bướm từ 2-4 con/kg giá 450.000 đồng/kg.
“Mỗi tháng tôi xuất bán khoảng 500kg cá Koi, chủ yếu bán cho các trại nuôi cá kiểng ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Đồng Nai... ”, chị Ngân nói và cho biết, mỗi năm chị thu lãi khoảng 240 triệu đồng từ trại cá Koi.
“Hiện tại, tôi chỉ mua cá bột về nuôi khi cá lớn, đạt màu sắc đẹp là bán. Còn tới đây tôi sẽ nghiên cứu cho cá sinh sản và nhân đàn tại trại. Vợ chồng tôi tính toán sẽ lập thêm trại nuôi cá Coi để tăng số lượng cung ứng cho thị trường”, chị Ngân nói về dự định tới đây của mình.