Được nới room tín dụng, ngân hàng có sẵn tiền cho vay?

Thứ ba, 13 Tháng 12 2022 20:05 (GMT+7)
Thực trạng tăng trưởng huy động vốn thấp, trong khi tăng trưởng cho vay cao hơn gấp nhiều lần cho thấy các ngân hàng có thể không dễ đẩy tín dụng ra nền kinh tế.
 
Dư địa theo lý thuyết lớn
 
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 5/12 công bố nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ước tính tổng hạn mức tín dụng theo dư địa cũ và mới lên tới 400.000 tỷ đồng.
 
Đây là một con số lớn, có thể góp phần giải quyết vấn đề thanh khoản của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023.
 
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc bơm vốn ra mạnh được xem là không dễ khi số ngày còn lại của năm 2022 không còn nhiều và bài toán huy động vốn vào thời điểm cuối năm để đảm bảo nguồn cho vay với các ngân hàng là không dễ dàng.
 
Thống kê cho thấy, tới cuối quý III/2022, 26 ngân hàng trên sàn chứng khoán (không bao gồm Agribank, BaoVietBank và SCB) có tổng lượng tiền huy động từ các tổ chức và cá nhân đạt hơn 7,718 triệu tỷ đồng, tăng 4,01% so với cuối năm 2021.
 
Trong khi đó, các ngân hàng cho vay hơn 8,169 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với cuối năm 2021.
 
Tốc độ tăng trưởng cho vay của các ngân hàng tới cuối quý III/2022 (so với cuối 2021) khá cao. (Biểu đồ: Mạnh Hà)
 
Còn theo Chứng khoán SSI, tăng trưởng huy động thấp, tới tháng 10 mới đạt 4,8%, so với mức tăng trưởng tín dụng 11,5%. Nhiều ngân hàng gần đây tăng mạnh lãi suất huy động từ mức khoảng 5% hồi dịch lên ngưỡng 9-10%/năm, thậm chí cao hơn.
 
Chia sẻ sau khi NHNN nâng chỉ tiêu tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, một số ngân hàng vẫn còn room tín dụng đã được phân bổ từ đầu năm như trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), với dư địa tín dụng còn khá dồi dào. Ngân hàng này không cần thiết phải nới thêm tín dụng; hoặc một số ngân hàng đang tăng lãi suất ở mức cao thì NHNN thấy rằng cũng cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng...
 
Tiền gửi tại một số ngân hàng tới cuối Quý III/2022. (Biểu đồ: Mạnh Hà)
 
Số liệu tính tới cuối quý II/2022 cho thấy, Ngân hàng Agribank ghi nhận huy động vốn tăng 3,11% so với cuối năm 2022 lên 1,59 triệu tỷ đồng. Cho vay trong khi đó tăng 5,82% lên 1,393 triệu tỷ đồng.
 
Huy động vốn gặp khó
 
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế hôm 17/11, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, dư nợ tín dụng gần tương đương với tổng huy động, trong khi tăng trưởng huy động chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng, do vậy, dù NHNN có nới trần tín dụng thì các NHTM cũng không đủ vốn để cho vay.
 
 
Các ngân hàng lớn CTG, BIDV, VCB có tốc độ tăng trưởng tiền gửi không cao. Một số ngân hàng ghi nhận tiền gửi giảm. (Biểu đồ: Mạnh Hà)
 
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong hệ số an toàn vốn, ngân hàng huy động được bao nhiêu đã cho vay gần hết nên buộc phải ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất để tăng huy động.
 
Theo Chứng khoán SSI, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn và tín dụng ở mức âm.
 
Còn theo Chứng khoán Mirae Asset, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của các ngân hàng niêm yết đang ở mức rất cao nhiều năm trở lại đây. Theo quy định, các tổ chức tín dụng phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi ở mức tối đa là 85%.
 
Tình hình huy động vốn và cho vay của các ngân hàng. (Tổng hợp: M.Hà)
 
Cũng theo quy định mới, các ngân hàng bị hạn chế cho vay trung và dài hạn do quy định của NHNN với tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 34% đã được áp dụng từ ngày 1/10/2022. 
 
Gần đây, nhiều ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn với lãi suất cao.
 
Ngày 12/12, thị trường xuất hiện ngân hàng có lãi suất huy động tăng mạnh lên trên ngưỡng 12%/năm. Một số ngân hàng có lãi suất cao trên 10% bao gồm ABBank, SaigonBank, NCB.
 
 

Bài viết mới nhất của Kinh tế