Mì tôm Việt Nam tiếp tục bị EU kiểm tra bảo vệ thực vật tại cửa khẩu
Ngày 30/1, Bộ Công Thương cho biết Ủy ban châu Âu vừa công bố danh sách kiểm soát an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, trái thanh long và mì tôm của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU tiếp tục bị kiểm tra tại cửa khẩu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Cụ thể, ngày 27/1, Ủy ban châu Âu đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Theo đó, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% tại lần thông báo trước như: rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. Tuy nhiên, ớt vẫn còn nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%.
Thanh long và mì tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%.
Ngoài ra, sản phẩm đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%.
Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông tin: Đức, Ba Lan, Malta đã gửi cảnh báo, thu hồi hoặc trả lại sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Cụ thể, Đức cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị phát hiện dư lượng ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU.
Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon, quận Tân Phú, TP. HCM). Hiện Ba Lan đã trả lại lô hàng này. Trong khi đó, Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia vì sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép. Nước này cũng đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.