Theo UBND TP.HCM, nguồn cung thị trường bất động sản giảm rõ rệt do một số nguyên nhân như: Quy định pháp luật chưa thống nhất; nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính… dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý nhà nước.
Việc kiểm soát tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp bất động sản. Thị trường bất động sản thứ cấp kém sôi động do giá bán ở thị trường sơ cấp quá cao, lại chịu ảnh hưởng của việc siết tín dụng khiến cho nguồn vốn đầu tư bị nghẽn, dẫn đến thanh khoản chậm, đang xảy ra tình huống một số nhà đầu tư giảm giá để xả hàng.
UBND TP.HCM đề xuất một số giải pháp tháo gỡ như: Kiến nghị Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện Nghị quyết 11/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình từ năm 2023-2025. Kiến nghị việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản đảm bảo đồng bộ, thống nhất và tháo gỡ các điểm nghẽn khi ban hành.
Cùng với đó là tăng cường kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán; ngăn chặn đầu cơ, thao túng, thổi giá, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ.
Sớm ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu chịu thuế để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, đảm bảo hoạt động kinh doanh bất động sản được minh bạch, lành mạnh./.