Ngày 6-2, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum khai mạc Hội chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 2. Hội chợ diễn ra đến ngày 9-2 với 10 hoạt động chính. Trong đó, nhiều hoạt động tập trung giới thiệu giá trị cây sâm Ngọc Linh cũng như hướng dẫn phát triển sâm kết hợp với du lịch nhằm nâng cao đời sống của đồng bào Xơ Đăng.
Tổ kiểm định sâm "thất nghiệp"
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tự tin nói muốn mua được sâm Ngọc Linh tốt thì hãy đến phiên chợ do huyện tổ chức. Theo ông Mạnh, lý do ông khẳng định như trên vì tại phiên chợ, huyện kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc sâm. Đơn vị muốn tham gia phiên chợ phải có chứng nhận nguồn gốc, vùng trồng rõ ràng, được địa phương xác nhận.
Khách tham gia phiên chợ được tư vấn cách phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại củ khác
Để kiểm chứng, phóng viên đã đi ghi nhận thực tế. Phiên chợ có 50 gian hàng, các gian hàng được chia từng ô, có tên đơn vị tham gia, tên sản phẩm dược liệu trưng bày và đều của những đơn vị uy tín. Trong ngày đầu tiên, hàng ngàn người ở các nơi đổ về tham quan lễ hội và tìm mua sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh trưng bày tại đây được giới thiệu rõ ràng về nguồn gốc, địa chỉ trồng. Cạnh sâm Ngọc Linh, đơn vị chức năng còn bố trí những loại củ có vẻ ngoài hao hao giống cây sâm này. Khi khách có nhu cầu tìm hiểu, đơn vị quản lý gian hàng giới thiệu tên từng loại củ trưng bày; sự khác nhau giữa sâm Ngọc Linh với các loại củ có vẻ ngoài hao hao giống sâm thông qua cách phân biệt lá, củ, vị…
Ông Phạm Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, Trưởng Ban Tổ chức phiên chợ - cho biết phiên chợ hướng đến phục vụ khách hàng, làm sao để du khách mua đúng sâm thật. Ngoài kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, ban tổ chức còn bố trí tổ thẩm định sâm 5 người gồm lực lượng quản lý thị trường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hộ cá nhân có kinh nghiệm trồng sâm nhiều năm. Ngoài ra, máy kiểm định cũng được huy động để kiểm định sâm nếu khách muốn.
"Do kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc đầu vào nên sau 1 ngày diễn ra phiên chợ, đến nay ban tổ chức chưa nhận được phản ánh nào của du khách về việc nghi ngờ sâm giả. Tổ thẩm định sâm vẫn chưa có việc làm, đang "thất nghiệp" - ông Quang nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, phiên chợ có vai trò quan trọng nhằm đưa sâm Ngọc Linh từ quốc bảo thành món hàng phổ thông.
Huyện kỳ vọng phiên chợ là nơi để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trao đổi hàng hóa. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ thấy được nhu cầu của khách để tăng cường chế biến, tạo ra sản phẩm hợp thị hiếu. Về phía người dân, họ sẽ thấy giá trị của sâm để mạnh dạn mở rộng quy mô trồng, đồng thời kết nối với doanh nghiệp để cùng liên kết phát triển, tăng cường chế biến..., từ đó sẽ giảm giá thành.
Còn ông Bùi Văn Viên - Chủ tịch UBND xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông - cho biết xã có tiềm năng phát triển sâm Ngọc Linh. Loại cây này được xác định sẽ giúp dân vươn lên làm giàu. Ông Viên cũng chia sẻ để hướng đến việc đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm phổ thông, xã đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng, trong đó ưu tiên kêu gọi hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật. Xã cũng kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trồng sâm với dân, cùng nhau phát triển sâm.
Tuy nhiên, nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp, hợp tác xã lợi dụng việc liên kết để lấy thương hiệu, hợp thức hóa vùng trồng rồi trục lợi nên khi mời gọi, xã sẽ kiểm soát chặt chẽ việc liên kết, công khai số lượng, số hộ liên kết và thường xuyên báo cáo huyện. Xã cũng đang hướng đến phát triển du lịch kết hợp tham quan vườn dược liệu sâm Ngọc Linh. Khi đó, du khách khắp nơi sẽ mua được sâm, tự tay chọn sâm thật để mua.
"Xã hy vọng khi diện tích được mở rộng, các sản phẩm sâm được chế biến đa dạng sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm. Khi đó, mọi người dân đều có thể sử dụng sâm Ngọc Linh" - ông Bùi Văn Viên nói.
Yên tâm
Bà Huỳnh Thị Minh Nguyệt (quê Quảng Ngãi) cùng nhóm bạn đi khắp các gian hàng phiên chợ để tìm mua sâm Ngọc Linh. Khi dừng tại một gian hàng đang trưng bày các củ sâm để hỏi mua, bà Nguyệt được giới thiệu về sâm Ngọc Linh và cách phân biệt với các loại củ tam thất, sâm Lai Châu có vẻ ngoài hao hao giống sâm.
Sau khi được tư vấn, bà Nguyệt bày tỏ sự hài lòng. "Hôm rồi nghe nói huyện tổ chức phiên chợ nên gia đình lặn lội lên đây. Được người ở các gian hàng giới thiệu và cách phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại củ khác, tôi rất yên tâm, không còn lo mua phải sâm giả. Giờ xem chỗ nào bán rẻ thì mua, chứ không sợ mua nhầm sâm giả nữa" - bà Nguyệt nói trong hào hứng.