Đồng Tháp xác định tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách.
Đồng Tháp xác định tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách; hình thành các tour, tuyến du lịch mới nội tỉnh, liên tỉnh; các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo xu hướng mới sau đại dịch COVID - 19, đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng tiếp cận ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong du lịch; tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch.
Khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch phục vụ khai thác loại hình du lịch đường thủy trên tuyến sông Mekong; phát triển hệ thống quầy hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân; nâng cấp các khu vệ sinh công cộng bảo đảm phục vụ khách du lịch; tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp.
Phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: Sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp trong chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa – lịch sử (Đình làng – Nhà cổ) kết hợp Lễ hội; du lịch chăm sóc sức khỏe; Nghiên cứu phát triển tuyến du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề, chợ quê, văn hóa địa phương. Đặc biệt, quan tâm các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen, đưa hình ảnh hoa Sen và các sản phẩm từ Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng.
Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, để tạo sản phẩm du lịch vùng Mekong, thu hút khách quốc tế, có tính cạnh tranh cao và mở rộng thị phần khách nội địa phía Bắc.
UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Du lịch cần phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp xác định phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; nâng cao chất lượng nhân lực du lịch về quản lý, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch, chú trọng đào tạo lao động lành nghề; Tăng cường hợp tác, liên kết về đào tạo, đa dạng các hình thức đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động trong hoạt động du lịch…
Năm 2022, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức đưa, đón và phục vụ 3,5 triệu lượt khách đạt 117,37% kế hoạch năm, tăng 136,71% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 1.660 tỷ đồng, đạt 166,4% kế hoạch năm, tăng 194,91% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, doanh thu du lịch năm 2022 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2019 – năm trước khi chưa xảy ra dịch Covid - 19; đứng đầu Cụm liên kết phía Đông ĐBSCL cả về lượt khách và tổng thu du lịch...
|