Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Việt Nam vừa công bố đánh giá thị trường tiêu thụ thịt và chăn nuôi Việt Nam.
Ở mảng chăn nuôi gà, Ipsos Việt Na đánh giá dù lượng tiêu thụ thịt gà được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng nhưng chăn nuôi gà khó có sự gia tăng đột biến do thị trường bị cạnh tranh khốc liệt bởi nguồn nhập khẩu kèm theo đó là một loạt những thách thức được đặt ra.
Theo số liệu do Ipsos Việt Nam tổng hợp, chỉ tính riêng trong năm 2022, giá trị lượng thịt gà nhập khẩu đã chạm mức 237 triệu USD để nhập khoảng 178.000 tấn thịt gà, bất chấp nguồn cung trong nước vốn đã dư thừa.
Ở chiều ngược lại thì chỉ xuất được 1.000 tấn với tổng trị giá 2,2 triệu USD. Như vậy, giá thịt gà xuất khẩu khoảng 2,2 USD/kg thì thịt gà nhập khẩu bình quân chỉ 1,33 USD/kg.
Thịt gà nhập khẩu giá rẻ gây khó cho chăn nuôi trong nước
Giữa lúc chăn nuôi gà đang tìm giải pháp hạ giá thành để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ thì chi phí chăn nuôi lại tăng lên khi giá cám tăng đến 6 lần chỉ trong vòng nửa năm. Theo tính toán và phân tích của Ipsos, phải đến quý II hoặc quý III/2023 giá cám tại Việt Nam mới bắt đầu ổn định hơn và giảm giá theo xu hướng chung của toàn cầu.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là quỹ đất dành cho chăn nuôi tại Việt Nam suy giảm. Theo Luật Chăn nuôi 2018, việc chăn nuôi giờ đây sẽ không còn được phép thực hiện ở trong khu vực nội đô nữa đã ảnh hưởng đến quỹ đất chăn nuôi. Thêm vào đó, do giá nhà đất trong thời điểm vừa rồi liên tục tăng, nhiều hộ dân lựa chọn bán đất, ngừng chăn nuôi để kiếm lời.
Theo một thành viên của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong khi giá thành gà lông trắng các trại chăn nuôi khu vực Đông Nam Bộ là 31.000 – 33.000 đồng/kg thì giá xuất trại bình quân trong tháng 2-2023 chỉ khoảng 22.000 đồng. Sang tháng 3, giá gà lông trắng xuất chuồng đã nhích lên 26.000 – 27.000 đồng/kg nhưng vẫn còn dưới giá thành.
Tổng đàn gà của Việt Nam (gồm gà lông trắng, gà lông màu và gà đẻ trứng) năm 2020 là 498 triệu con, năm 2023 dự báo tăng lên khoảng 555 triệu con.
Đối với mảng chăn nuôi heo, Ipsos Việt Nam dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt heo vẫn chưa phục hồi về trước dịch tả heo châu Phi 2018. Thịt heo đang mất dần vị trí là lựa chọn số 1 của bà nội trợ đối với nhóm đạm động vật.
Ngoài ra, tình trạng già hóa dân số tại Việt Nam khiến người dân cũng bắt đầu phải ý thức hơn về loại thực phẩm được lựa chọn để tiêu thụ, khi tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp sẽ ngày càng tăng lên. Điều này khiến cho thịt heo, loại thịt chứa nhiều cholesterol sẽ dần dần không còn là sản phẩm tiêu dùng hàng đầu của người dân nữa.