Ngày 31-3, tại TP Đà Nẵng, Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Sở Văn hóa và thể thao (VH-TT) các tỉnh, thành cả nước. Nhiều ý kiến tập trung vào những khoảng trống của Quy hoạch Quảng cáo, dẫn đến những lúng túng trong triển khai các hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Khó quản lý, cấp phép quảng cáo ngoài trời vì xung đột giữa nhiều bộ luật (ảnh: Hữu Hưng)
Dẫu quảng cáo ngoài trời chỉ chiếm tỉ lệ 20% thị phần toàn ngành, nhưng nếu các địa phương tận dụng tốt, không chỉ mang lại nguồn ngân sách lớn cho nhà nước mà còn giúp đảm bảo cảnh quan đô thị.
Ông Lê Phúc Long, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Đắk Lắk, cho hay xung đột giữa Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu thầu,… gây rất nhiều khó khăn cho việc cấp phép và quản lý quảng cáo ngoài trời.
"Vừa rồi, tỉnh xã hội hóa được 2 cổng chào, trị giá mười mấy tỉ đồng để quảng bá du lịch địa phương. Hồ sơ công trình đều đã được thẩm định kĩ càng. Tuy nhiên, không thể lắp đặt vì vướng an toàn giao thông đường bộ. Rất lãng phí", ông Long nêu ví dụ.
Tương tự, đại diện Sở VH-TT TP HCM, ông Trần Thành Vương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, cho biết TP HCM hiện chưa ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, gây trở ngại cho công tác quản lý.
Theo ông Vương, dù Luật Giao thông đường bộ cho phép lắp đặt tạm thời các bảng quảng cáo trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, tuy nhiên Thông tư 04/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng lại không cho phép.
"Thực tế các nước thế giới vẫn sử dụng hành lang an toàn giao thông để quảng cáo, do vậy, để phù hợp với thực tiễn nước ta, kiến nghị cho phép quảng cáo trong phạm vi an toàn giao thông", ông Vương bày tỏ.
Trong khi đó, Đà Nẵng là địa phương tiêu biểu khi đã có 2 lần thực hiện Quy hoạch quảng cáo trên địa bàn toàn thành phố. Lần gần nhất là quy hoạch khoảng 2.000 vị trí đặt biển quảng cáo nhưng khi thực hiện vẫn gặp khó về xác định cơ sở pháp lý.
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, cho rằng cần giao thêm thẩm quyền cho địa phương, khi đó địa phương sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về quy hoạch quảng cáo.
"Tại Đà Nẵng, Sở VH-TT mạnh dạn đề xuất thành phố cho đấu giá đấu thầu lắp đặt quảng cáo. Sở hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng tôi tìm yếu tố tích cực làm trước, những vướng mắc sẽ xây dựng đề án để báo cáo thành phố xử lý sau", ông Xử cho hay.
Quảng cáo "láo" sẽ bị xử lý hình sự
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ bổ sung nội dung về quyền và trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho biết Luật Quảng cáo bổ sung sẽ có điều khoản xử lý hình sự đối với trường hợp quảng cáo "láo"
"Sắp đến luật có hẳn một điều về trách nhiệm của đối tượng này. Đây là người sử dụng các phương tiện để quảng cáo mà không nhất thiết phải là người nổi tiếng. Trách nhiệm chuyển tải chỉ được trong phạm vi tính năng chất lượng của sản phẩm đó mà cơ quan quản lý chuyên ngành cho phép.
Còn nếu nói quá, thổi phồng thì sẽ có biện pháp xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự nếu như hành vi vi phạm quá lớn, gây tác động cho những người sử dụng sản phẩm", bà Hương khẳng định.