Vì sao mặt bằng cho thuê ế ẩm nhưng không giảm giá?

Thứ hai, 05 Tháng 6 2023 13:08 (GMT+7)
Chủ nhà và khách thuê chưa tìm được tiếng nói chung; để "thoát ế", chủ nhà nên giảm giá mặt bằng 30%-40% và chỉ lấy tiền cọc 1 tháng thay vì 3 tháng.
 
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, số lượng mặt bằng trống đang treo bảng cho thuê dọc các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ (quận 3) hay các tuyến Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM)… ngày càng tăng.
 
Liên hệ theo những số điện thoại trên các bảng hiệu quảng cáo, hầu như chúng tôi không gặp được chính chủ mà đa phần là người môi giới. Đối với nhiều mặt bằng, cả môi giới và chủ nhà đều cho biết đã giảm giá mặt bằng khoảng 20%-30% so với trước đây nhưng vẫn chưa có khách thuê. "Có khách đề nghị giảm đến 40%-50%, lại yêu cầu đặt cọc ít, ký thuê dài hạn. Khi chúng tôi đưa ra điều kiện nếu trả nhà trước hạn hợp đồng sẽ phải đền tiền gấp 3 lần thì họ lại tỏ ra ngần ngại" - một môi giới cho hay.
 
Vì sao mặt bằng cho thuê ế ẩm nhưng không giảm giá? - Ảnh 1.
Nhiều mặt bằng trống đang treo bảng cho thuê tại TP HCM
 
Anh Quang Vinh có căn nhà mặt tiền 1 trệt 2 lầu với diện tích 80 m2 ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM) cho biết trước đây, mặt bằng này rất đắt khách. Môi giới thường "canh" hết hợp đồng là đưa khách đặt sẵn vào ngay. Thế nhưng, khoảng 5-6 tháng nay, dù giá đã giảm từ mức 75 triệu đồng/tháng còn 55 triệu đồng/tháng mà vẫn không có khách thuê. Hầu hết khách trả giá chỉ 35-40 triệu đồng.
 
Hiện nay, mặt bằng ở quận 1, quận 3 không còn thời "hở" ra là có người hỏi thuê nữa. Do tình hình kinh tế khó khăn, khách hàng sẽ ưu tiên chọn căn ở vị trí thuận lợi, giá tốt nhất nên nếu chủ mặt bằng không chịu hạ giá thì ế lại càng ế.
 
Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VNO, cho rằng tình trạng mặt bằng cho thuê ngày càng ế là do chủ nhà và khách thuê chưa tìm được tiếng nói chung. Chủ nhà cần xác định giai đoạn này rất khác thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

"Mặt hàng xa xỉ bây giờ không còn hút khách, chỉ kinh doanh mặt hàng thiết yếu hay đồ ăn uống mới cần chỗ ngồi. Người thuê có tâm lý e ngại phải bỏ ra số tiền "chết" ban đầu để đặt cọc thuê nhà trong khi chủ mặt bằng yêu cầu cao" - ông Hải chỉ ra và góp ý chủ mặt bằng nên giảm giá 30%-40% và chỉ lấy tiền cọc 1 tháng thay vì 3 tháng.
 

Bài viết mới nhất của Kinh tế