Vì sao sầu riêng xuất khẩu của Thái Lan bỏ xa Việt Nam?

Thứ ba, 06 Tháng 6 2023 16:13 (GMT+7)
Sầu riêng được xem là loại trái cây tỉ đô nhưng là dự báo trong tương lai, còn hiện tại vẫn chưa vượt qua được thanh long về giá trị ngoại tệ thu về
 
Theo Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 5-2023 đạt 600 triệu USD - tăng 53,3% so với tháng 4 và tăng 137,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,97 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022. 
 
Số liệu cụ thể cập nhật đến hết tháng 4-2023 cho thấy dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là trái cây các loại đạt 920,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.
 
Xuất khẩu thanh long dù giảm đến 20% nhưng vẫn duy trì vị trí số 1 về giá trị ngoại tệ thu về trong ngành trái cây, khi đạt gần 246 triệu USD, chiếm tỉ trọng 26,7%.
 
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho hay từ đầu năm đến nay, giá thanh long luôn ở mức cao hơn giá thành và không có đợt dội chợ nào. Nguyên nhân là do Trung Quốc mở cửa sau dịch COVID-19 nên tiêu thụ thuận lợi. Ngoài ra, diện tích thanh long hiện nay không quá nhiều nên không gặp áp lực về tiêu thụ.
 
Vì sao sầu riêng xuất khẩu của Thái Lan bỏ xa Việt Nam? - Ảnh 2.
Sầu riêng được xem là loại trái cây tỉ đô nhưng là dự báo trong tương lai, còn hiện tại vẫn chưa vượt qua được thanh long về giá trị ngoại tệ thu về
 
Sầu riêng xếp vị trị trí thứ 2 với 190,5 triệu USD, chiếm tỉ trọng 20,7% trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trái sầu riêng xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, với trị giá chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu sầu riêng.
 
Một trong những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chưa xứng với tiềm năng là bởi Trung Quốc chỉ mới chấp thuận nhập khẩu sầu riêng tươi. Với sầu riêng xuất khẩu tươi, thị trường yêu cầu cao về mẫu mã, hình thức nên sản lượng không được nhiều.
 
Trong khi đó, Thái Lan được xuất khẩu sang Trung Quốc cả sầu riêng tươi và cơm sầu riêng cấp đông nên giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2022 lên đến gần 4 tỉ USD. Một đối thủ khác là Malaysia, nổi tiếng với sầu riêng Musangking thì chỉ được xuất khẩu cơm sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc.
 
Do đó, trong các hội nghị gần đây, nhiều địa phương và doanh nghiệp kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán mở cửa thêm mặt hàng cơm sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc.
 
Điều này sẽ giúp tăng giá trị mặt hàng sầu riêng xuất khẩu. Thực tế, Việt Nam đã xuất khẩu cơm sầu riêng sang Mỹ, Nhật Bản, Úc… nhưng giá trị đóng góp còn nhỏ so với thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới là Trung Quốc.
 
Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2023, chuối xuất khẩu xếp vị trí thứ 3 (16,3%, đạt gần 150 triệu USD), thứ 4 là xoài với 89 triệu USD và thứ 5 là mít với gần 80 triệu USD.
 
 

Bài viết mới nhất của Kinh tế