Từ tay ngang làm nên thương hiệu bánh tráng nổi tiếng Tây Ninh

Thứ ba, 13 Tháng 6 2023 14:14 (GMT+7)
Thành công khá dễ dàng kể từ khi khởi nghiệp, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, doanh nhân trẻ Đặng Khánh Duy đặt mục tiêu đưa Công ty TNHH Tân Nhiên gia nhập tốp đầu doanh nghiệp sản xuất bánh tráng tại Việt Nam
 
Trở về từ Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp (DN) Tây Ninh với Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) mới đây, anh Đặng Khánh Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tân Nhiên, bắt tay ngay vào việc hoàn tất thủ tục để đưa bánh tráng mỏng không nhúng nước - sản phẩm chủ lực của công ty - vào các siêu thị Co.opmart ở TP HCM. Anh Duy cho biết việc có mặt tại hệ thống bán lẻ ở TP HCM là bước đi đầu tiên trong kế hoạch mở rộng phân khúc bán lẻ hiện đại của công ty trong năm nay.
 
Lợi thế người tiên phong
Để tự tin đẩy mạnh chào hàng vào các siêu thị, Tân Nhiên đã đầu tư và đưa vào hoạt động thêm 1 dàn máy tráng bánh, nâng tổng công suất xưởng sản xuất lên 20 tấn/ngày.
 
Năm 2018, vợ chồng anh Duy thành lập cơ sở bánh tráng Tân Nhiên, đến năm 2020 thì nâng cấp lên thành Công ty TNHH Tân Nhiên. Chỉ 1 năm sau khi đi vào hoạt động, Đặng Khánh Duy đã có mặt trong danh sách 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2019. 
 
Bánh tráng Tân Nhiên cũng vào tốp 50 thương hiệu mạnh quốc gia năm 2019, thương hiệu Vàng nông nghiệp năm 2020. Năm 2021, anh Duy có tên trong danh sách 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bình chọn.
 
Từ tay ngang làm nên thương hiệu bánh tráng nổi tiếng Tây Ninh - Ảnh 1.
Anh Đặng Khánh Duy (bìa phải) trong một lần giới thiệu sản phẩm của công ty
 
CEO sinh năm 1988 kể, từ kinh nghiệm tham gia kinh doanh lĩnh vực bột sắn (khoai mì) của gia đình, vợ chồng anh quyết tâm khởi nghiệp với bánh tráng từ bột sắn. Thời điểm đó, Tây Ninh nổi tiếng là xứ sở của bánh tráng nhưng chủ yếu chỉ có bánh tráng thủ công, không thương hiệu, làm từ bột gạo và bánh tráng dày làm từ bột mì, khi ăn phải nhúng nước. Anh tự mày mò, nghiên cứu công thức pha chế bột, điều chỉnh máy móc để tạo ra bánh tráng siêu mỏng, khi ăn không cần nhúng nước.
 
"Ban đầu, nhiều khách hàng nghi ngờ loại bánh tráng vừa mỏng, vừa mềm dẻo và có độ thơm, ngọt từ bột sắn quá khác biệt so với bánh tráng dày, giòn phổ biến. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng truyền thông cho khách hàng hiểu đây là sản phẩm được cải tiến, sản xuất trong dây chuyền hiện đại, khép kín, sử dụng nguyên liệu sạch, không hóa chất tẩy trắng, không chất bảo quản…, sản phẩm được thị trường chấp nhận. Nhiều sạp chợ, đại lý chủ động đặt hàng" - anh Duy nhớ lại.
 
Có đầu ra ổn định, anh Duy tập trung xây dựng thương hiệu cho công ty. Những năm 2018-2020, toàn thị trường chỉ có Tân Nhiên độc quyền sản xuất bánh tráng mỏng không nhúng nước nên sản phẩm làm ra không đủ bán. Sản phẩm nhanh chóng được phân phối ở kênh chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa ở Tây Ninh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ rồi trải dài cả nước. Không chỉ vậy, những bịch bánh tráng "không đụng hàng" này còn theo chân bà con kiều bào xuất ngoại.
 
Năm 2020, khách hàng chủ động tìm đến công ty đặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đơn hàng đầu tiên được xuất đi ngay trong năm, đến nay công ty đang xuất khẩu độc quyền cho 1 đối tác ở Hàn Quốc, sản lượng trung bình khoảng 9 tấn/tháng. Ngoài thị trường này, công ty đã xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Úc, Nhật. Gần đây nhất, một số khách hàng ở Thái Lan đặt vấn đề nhập khẩu, 2 bên đang tiến hành thương thảo để hướng đến hợp tác bán hàng.
 
Mục tiêu thương hiệu dẫn đầu
Sau 5 năm hình thành và phát triển, Tân Nhiên đã sở hữu 5 dây chuyền sản xuất hiện đại trên diện tích nhà xưởng hơn 5.000 m2, doanh thu 60 tỉ đồng/năm. Trong đó, dòng sản phẩm chủ lực là bánh tráng siêu mỏng không nhúng nước.
 
Trước đây "một mình một chợ", Tân Nhiên phát triển rất nhanh và không sợ cạnh tranh. Tuy nhiên, sau năm 2020, công thức bánh siêu mỏng không nhúng nước bị tuồn ra ngoài, một số cơ sở, DN bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường. Sức ép cạnh tranh buộc công ty phải cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm liên tục, nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới và chủ động tìm kiếm đơn hàng thay vì ngồi chờ khách hàng tự tìm đến trước.
 
Đến nay, Tân Nhiên đã phát triển được 4 dòng sản phẩm, gồm: bánh tráng trắng (3 loại), bánh tráng trộn (hơn 10 vị), nước đóng chai và gia vị (muối ớt, muối tôm…, khả năng cuối tháng này ra thị trường). 
 
"Cạnh tranh thị trường là động lực để công ty liên tục phát triển, làm mới và khai thác những phân khúc sản phẩm, khách hàng mới. Dù với sản phẩm nào, chúng tôi cũng nói thật, làm thật, hướng đến quyền lợi và sức khỏe cộng đồng trước tiên" - anh Duy bộc bạch.
 
Tự định vị DN mình đang xếp trên những DN, cơ sở sản xuất nhỏ nhưng đứng dưới những thương hiệu nổi tiếng như Bích Chi, Safaco, 3 Cây Tre…, Tân Nhiên đặt mục tiêu gia nhập tốp đầu DN sản xuất bánh tráng và các sản phẩm làm từ bột gạo, bột mì. 
 
CEO trẻ tâm sự rằng anh không phải dân kỹ thuật, cũng không có nhiều kinh nghiệm quản trị, marketing lại một mình lo đối nội, đối ngoại, phát triểu thị trường… nên mọi thứ đều phải vừa làm vừa học. Làm tới đâu học tới đó và chấp nhận trả giá học phí bằng tiền do những thất thoát trong quá trình vận hành, phát triển công ty.
Từ cuối năm 2022 đến nay, anh tiến hành tái cấu trúc, rà soát lại mọi hoạt động, đổi mới nhân sự, cân đối tài chính và hoạch định chiến lược mới cho công ty. "Rất nhiều nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước đặt vấn đề góp vốn, mua cổ phần… để đẩy công ty phát triển nhanh, mạnh hơn nhưng đến thời điểm này, Tân Nhiên vẫn chọn "tự lực cánh sinh" - anh Duy chia sẻ.
 
 

Bài viết mới nhất của Kinh tế