Ngày 26-6, Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú – mã chứng khoán MPC) vừa công bố nghị quyết và biên bản đại hội cổ đông vừa diễn ra tại TP HCM cuối tuần qua.
Theo đó, các cổ đông của "vua tôm" Minh Phú đã đã biểu quyết thông qua kế hoạch kinh doanh của năm 2023 với 12.789,5 tỉ đồng doanh thu, trong đó gần 99% đến từ xuất khẩu; lợi nhuận trước thuế 689,7 tỉ đồng. So với kết quả thực hiện 2022, doanh thu 16.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 800 tỉ đồng – chỉ tiêu này khá khiêm tốn.
Theo "vua tôm" Minh Phú, những tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm vì dù công ty có hợp đồng với đối tác nhưng các kho ở các nước nhập khẩu đang đầy, các khách hàng không nhập được. Nguyên nhân do hàng bán ra chậm trong khi giá thành tôm của Ấn Độ và Ecuador thấp, họ đẩy mạnh xuất khẩu, làm cho tôm Việt Nam càng khó bán được.
Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm, dự kiến nguyên liệu tôm sẽ bị thiếu hụt do nông dân giảm nuôi vì nguyên liệu giá thấp tại Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador đang bị EI Nino gây thiệt hại khoảng 30% vùng nuôi.
Gian hàng tôm Minh Phú tại hội chợ thủy sản
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản đẩy mạnh hàng tồn kho ra thị trường. Hơn nữa, cuối năm lễ hội Noel, Tết Nguyên Đán ở châu Á, mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng lên. Do đó, dự kiến kể từ tháng 8 trở đi, giá tôm sẽ tăng, từ đó giải quyết được hàng tồn kho, tình hình kinh doanh của Minh Phú sẽ tốt hơn.
Hiện nay, vùng nuôi của Minh Phú chủ động được 10% nguyên liệu sản xuất, 90% mua bên ngoài. Từ tháng 4-2023 trở về trước, Minh Phú luôn mua giá tôm cao cho nông dân nuôi tôm vì là doanh nghiệp chế biến nếu không mua giá cao thì bà con không nuôi nữa, khi đó doanh nghiệp sẽ không có tôm chế biến. Tuy nhiên, năm nay, tình hình kinh doanh xấu, nếu cứ mua giá cao thì không cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và Ecuador, công ty buộc phải giảm giá mua. Như vậy, Minh Phú mua giá tôm theo thị trường quốc tế thì nông dân nuôi phải cải tiến vấn đề nuôi tôm để cạnh tranh.
Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn Minh Phú, để cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và tôm Ecuador, ngành nuôi tôm Việt Nam cần tập trung các giải pháp chiến lược: tận dụng các loài tôm bản địa của Việt Nam mà đối thủ không có; hợp tác với đối tác nước ngoài để nâng cao chất lượng tôm giống; sản xuất tôm giống kháng bệnh và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm, nuôi tôm kháng bệnh, mật độ thấp vừa sức tải môi trường.